Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp. Ảnh minh họa
Trên cơ sở kết quả của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015, ngày 30 tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 (giai đoạn 2).
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện; các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đã tổ chức phát động phong trào gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương.
Cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng đã chủ động tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua, xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua, khen thưởng. Các cụm, khối thi đua tổ chức ký kết giao ước thi đua với những nội dung cụ thể, hàng năm lấy kết quả tổ chức phong trào xây dựng nông thôn mới là căn cứ để đánh giá thi đua.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai sâu rộng với nội dung phong phú và hình thức đa dạng, thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới.
Các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua với nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tiêu biểu như: Phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà” của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào “Điểm sáng biên giới”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới” của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, phong trào đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các thành phố trực thuộc Trung ương...
Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả như: Mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018 - 2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh được vận dụng triển khai tại các tỉnh, thành phố...
Các bộ, ban, ngành Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ đến với nông dân; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; triển khai các chương trình liên kết, hỗ trợ nguồn lực để cải thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tham gia hỗ trợ các chương trình giáo dục và đào tạo, y tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào: “Toàn ngành chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”; Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, đường giao thông nông thôn; Ban Dân vận trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam có cơ chế chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi...
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết Nghị quyết liên tịch về đẩy mạnh thi đua xây dựng nông thôn mới; Hội Cựu chiến binh Việt Nam có phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”...
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua, tích cực tham gia với những việc làm thiết thực: Đóng góp tiền của, công sức, hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng... Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương.
Kết quả của phong trào thi đua đã tác động tích cực, góp phần hoàn thành về đích sớm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã (chiếm tỷ lệ 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đặc biệt có 127/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%), trong đó có 4 huyện: Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Có 2 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Nam Định, Đồng Nai).
Tại Lễ Tổng kết và tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua giai đoạn 2011-2020, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Ba cho tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định; tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhất cho 8 tỉnh và 11 bộ, ban, ngành Trung ương; Huân chương Lao động hạng Ba cho 13 tỉnh có nhiều sáng tạo, nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới và 93 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 175 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tặng “Cờ thi đua” cho 498 tập thể, tặng Bằng khen cho gần 11 nghìn tập thể và 15 nghìn cá nhân là nông dân, người trực tiếp lao động tham gia phong trào thi đua ở cơ sở...
Từ thực tiễn tổ chức và kết quả đạt được, phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng khắp trên tất cả các vùng, miền, lĩnh vực, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hiện nay phong trào đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025 không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí. Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.