Năm 2017, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn gây ngập úng dài ngày tại nhiều địa phương, giá thịt lợn, trứng gà xuống thấp, khó tiêu thụ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng ổn định và tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản ước đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2016. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Ðây cũng là năm đầu tiên sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch ruộng đất, cải tạo hệ thống hạ tầng; các địa phương tập trung đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và bước đầu thu được kết quả khi giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 25%. Các địa phương cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ðáng chú ý, thành phố có thêm hai huyện Thanh Trì và Hoài Ðức được công nhận đạt chuẩn NTM. 294 trên tổng số 386 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 39 xã vừa được Tổ Công tác giúp việc Hội đồng Thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM thẩm định đủ điều kiện. 61 trong số 92 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, còn 31 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM hơn 8.950 tỷ đồng. Ðời sống nông dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/năm, trong đó, người dân của một số huyện có thu nhập cao như Thạch Thất đạt 52 triệu đồng, Ðông Anh 47 triệu đồng, Hoài Ðức 42,5 triệu đồng...
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Ðó là nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Việc thu hút nguồn lực xã hội ở một số địa phương, nhất là huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân còn hạn chế. Công tác đấu giá đất để tạo nguồn xây dựng NTM ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Tiến độ điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng NTM của các xã còn chậm. Ðời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng thuần nông, vùng đồng bào dân tộc thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như huyện Ba Vì mới chỉ đạt 30 triệu đồng, huyện Ứng Hòa hơn 32 triệu đồng, huyện Mỹ Ðức hơn 34 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại huyện Ứng Hòa mới đạt 29%, Mỹ Ðức 31%, Chương Mỹ 33%. Công tác đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những địa bàn bị thu hồi đất chưa đáp ứng yêu cầu. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng cho biết, năm nay ban chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu có thêm ít nhất 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất hoàn thành tiêu chí huyện NTM, hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xem xét, để trình Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, triển khai thí điểm đề án xây dựng xã NTM điển hình tiên tiến tại xã Ðông Hội (Ðông Anh) và xã Võng Xuyên (Phúc Thọ).
Ðể đạt được những mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương đăng ký về đích NTM; tập trung tu bổ đê điều, hệ thống thủy lợi để chủ động ứng phó thời tiết bất lợi; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, cấp nước sạch; đưa các xã an ninh trật tự ổn định ra khỏi danh sách xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự...
Mới đây, phát biểu tại hội nghị giao ban quý IV - 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thành công của chương trình xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân đã góp phần giúp TP Hà Nội hoàn thành 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm qua. Tuy nhiên, những địa phương đã đạt chuẩn NTM không được chủ quan, ung dung với những kết quả đã đạt được, mà phải thường xuyên kiểm tra, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững.
Ðồng chí lưu ý các địa phương đang phấn đấu về đích NTM phải tập trung đồng bộ, cả xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp và nhất là nâng cao đời sống nông dân. Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí có những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện, nhưng có những tiêu chí không phải sử dụng nguồn kinh phí lớn, như tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị. Vì thế, các địa phương cần kiện toàn bộ máy, gắn việc quản lý cán bộ với triển khai tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, lấy công tác cán bộ là nền tảng quan trọng trong xây dựng NTM; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng những cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; kiên trì phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, không chỉ cung cấp nông sản cho thị trường Hà Nội mà cần mở rộng ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Nhân dân điện tử