Phấn đấu thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018

Thứ hai, 08/01/2018 15:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 5/1, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức Hội nghị giao ban quý IV năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2018.

Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị-Ảnh: Minh Nhung

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù thời tiết không thuận lợi (mưa kéo dài, một số huyện bị úng ngập như: Chương Mỹ, Mỹ Đức…), giá thịt lợn giảm mạnh… nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.133 tỷ đồng (giá so sánh 2010) tăng 2,33% so với năm 2016, và ước đạt 43.110 tỷ đồng (giá thực tế) bằng 100% so với năm 2016. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó trồng trọt, lâm nghiệp 44,40%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ 3,04%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25%.

Các huyện, thị xã đã tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, thành phố đã có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh, Thường Tín, Gia Lâm... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đã đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiêp. Đến nay, Thành phố có 71 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương có nhiều mô hình liên kết như: Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai, Mỹ Đức...

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt và góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất cũng ổn định xã hội.

Đến hết năm 2017 đã cấp được 616.241/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa (đạt 98,94%), tăng 14.600 giấy chứng nhận so với năm 2016. Một số địa phương đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như huyện: Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất...

Về xây dựng NTM, với tinh thần chỉ đạo tập trung, quyết liệt có trọng tâm trọng điểm của Thành ủy, UBND Thành phố, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; phát huy và kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới các năm trước, trong năm 2017 đã đạt được kết quả tích cực. Trong năm 2017 có thêm 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay Thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức.

Có thể thấy, các huyện và các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đều đã và đang quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, như huyện Đan Phượng chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu tại 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương rất quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’, nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, nhà có số, phố có tên rất tốt như huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai...

Nhờ vậy, đời sống nông dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017), một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Thanh Trì 1,41%, Đông Anh 1,57%...

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/ người/năm. Trong đó một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm,... đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm…

Từ những kết quả trên đã góp phần ổn định an ninh nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố và đặc biệt là các tiêu chí về phát triển văn hóa xã hội, góp phần chung và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các huyện và chung của Thành phố.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và hình thành các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được các địa phương quan tâm thực hiện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô, việc triển khai còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc thu hút nguồn lực xã hội ở một số địa phương chưa được nhiều, đặc biệt là huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn còn hạn chế như các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín; công tác đấu giá đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn.

Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế và hoàn thành mục tiêu Chương trình năm 2018, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố cũng như cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản…; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2-2,5%.

Số xã đạt chuẩn NTM có thêm 26 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM (nâng tổng số lên 6 huyện đạt chuẩn NTM). Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 80 trường; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 55%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 88%. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ danh hiệu Làng văn hóa đạt 60,5%.

Thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 41 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới đạt 2,11%.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)