Phú Quý - huyện đảo nông thôn mới

Thứ sáu, 23/12/2016 14:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, cách đất liền 56 hải lý (hơn 110 km). Tuy còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác, nhưng bằng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đảo, Phú Quý đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngày 5-10-2016, Phú Quý là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc huyện đảo nông thôn mới Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Huy động nguồn lực trong dân

Huyện đảo Phú Quý có ba xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với dân số gần 27.500 người, trong đó có gần 16.500 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Năm 2010, Phú Quý chính thức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí. Tuy nhiên, các tiêu chí đã đạt đều chưa bền vững, các tiêu chí còn lại cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện cấp cho chương trình rất thấp.

Chủ tịch UBND Tạ Minh Nhựt, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Phú Quý cho biết, khi bắt đầu triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện xác định việc đầu tiên phải làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu rõ vai trò là chủ thể xây dựng NTM, lấy sức dân, tài trí của dân để lo cho dân, phát huy nội lực là căn bản, tự giác tham gia, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Những tiêu chí dễ thực hiện, dựa vào sức dân là chủ yếu được ưu tiên làm trước, các tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn vốn lớn thì thực hiện sau; lồng ghép các chương trình, dự án đang thực hiện theo hướng lựa chọn các tiêu chí người dân có nhu cầu cấp thiết và phù hợp với khả năng để thực hiện trước.

Xã Tam Thanh được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM ở huyện Phú Quý cùng với chín xã ở đất liền. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Nguyễn Văn Trị nhớ lại: Qua khảo sát, đánh giá thực trạng, Ban Chỉ đạo xã xác định xây dựng hạ tầng nông thôn là nhóm tiêu chí cần tập trung thực hiện. Từ huy động nguồn lực trong dân, nhiều công trình trên địa bàn xã đã được xây dựng. Phong trào đổ bê-tông đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ riêng trong năm 2012, 15 đoạn đường giao thông nông thôn đã được đổ bê-tông với kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 630 triệu đồng. Cùng với đó, phong trào xóa đói, giảm nghèo cũng nhận được sự tham gia tích cực của người dân và các doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và huyện hỗ trợ cùng với nguồn huy động tại địa phương, xã đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.

Năm 2011, huyện Phú Quý tiếp tục đăng ký hai xã Ngũ Phụng và Long Hải thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng NTM” do UBND tỉnh phát động được các tầng lớp nhân dân trên đảo hưởng ứng tích cực và tham gia đóng góp nhân lực, vật lực. Trưởng phòng Kinh tế Đặng Văn Phú, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Phú Quý cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, Phú Quý đã huy động được gần 30 tỷ đồng từ trong dân, các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, cơ sở hạ tầng được đầu tư làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện đảo.

Với đặc thù là huyện đảo, Phú Quý không có sông suối, nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất đều được khai thác từ nguồn nước ngầm. Năm 2013, Huyện ủy Phú Quý đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trồng cây xanh, xây bể chứa nước mưa, hố ga thẩm thấu nước vì sự phát triển bền vững. Từ đó đến nay, hơn 50 nghìn cây xanh đã được trồng ở nhiều tuyến đường, trụ sở làm việc và khu vực công cộng; phong trào xây bể chứa nước mưa, hố ga thẩm thấu nước được người dân đồng tình hưởng ứng tích cực,... góp phần tích giữ nguồn nước ngọt quý hiếm, hạn chế việc khai thác nước ngầm, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây là điểm rất riêng trong xây dựng NTM của Phú Quý so với các địa phương khác trong đất liền. Nhờ vậy, tất cả người dân Phú Quý được sử dụng nước ngọt bảo đảm chất lượng.

Cán bộ kỹ thuật Trạm nông lâm nghiệp Phú Quý chuẩn bị cây giống phục vụ cho việc trồng cây xanh trên đảo.

Nâng cao thu nhập để tạo bứt phá

Muốn huy động nguồn lực trong dân, Phú Quý xác định cần phải phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân... UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng. Từ năm 2014, khi triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phú Quý đã mạnh dạn đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn với số lượng nhiều nhất tỉnh. Trong 180 trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt, Phú Quý có 128 hồ sơ và đã hạ thủy đưa vào khai thác 45 tàu đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Hoạt động nuôi trồng thủy sản được duy trì với 70 cơ sở nuôi bằng lồng bè trên diện tích gần 11 nghìn m2. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm hơn 24 nghìn tấn. Hiện nay, Phú Quý có khoảng 1.400 tàu, thuyền đánh cá, với gần 440 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có 140 chiếc làm dịch vụ và thu mua hải sản trên biển. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phú Quý là một trong những địa phương có hình thức khai thác hải sản trên biển bài bản nhất cả nước, tất cả các tàu khi tham gia khai thác hải sản đều theo đội, tổ, nhóm.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế gắn bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương, hạn chế dần sự phụ thuộc vào đất liền một số sản phẩm thiết yếu được huyện đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có 27,5 ha trồng rau tập trung sử dụng hệ thống tưới phun trong nhà vòm. Kinh tế hộ nông dân, hộ kinh doanh cá thể tiếp tục phát triển, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ kinh tế trang trại chăn nuôi, các loại hình dịch vụ thương mại, xây lắp...

Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt cho biết, từ quyết tâm thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trên biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đổi mới sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trên đảo. Thu nhập bình quân đầu người từ 23,22 triệu đồng/người năm 2011 tăng lên 28,02 triệu đồng/người năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,93%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 92,57%.

Từ ngày 1-7-2014, thời gian sử dụng điện ở Phú Quý được nâng lên 24 giờ/ngày, giá điện sử dụng bằng với giá đất liền đã tạo một bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên đảo; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Theo thống kê, năm 2013, sản lượng điện tiêu thụ của Phú Quý chỉ khoảng 7,7 triệu kWh, trong năm 2015, tăng lên 12,2 triệu kWh.

Bên cạnh tập trung cho nhóm tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Phú Quý cũng luôn quan tâm nhóm tiêu chí không đòi hỏi kinh phí, do người dân hoặc cộng đồng dân cư tự làm. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được mở rộng. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được kiện toàn. Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Năm 2014, xã Tam Thanh được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận công nhận xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2015 hai xã Ngũ Phụng và Long Hải cũng được công nhận xã đạt chuẩn. Ngoài 19 tiêu chí theo quy định chung, theo yêu cầu của tỉnh, Phú Quý còn thực hiện thêm tiêu chí xây dựng Ban Chỉ huy quân sự xã vững mạnh toàn diện và cả ba xã đều đạt yêu cầu. Sau nỗ lực 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, ngày 5-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận huyện Phú Quý đạt chuẩn NTM.

Từ những thành quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên đảo đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển của quốc gia.


Theo báo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)