Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập

Thứ ba, 29/11/2016 13:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có thể khẳng định, đổi mới đất nước bắt đầu từ khu vực kinh tế nông nghiệp, đã giải phóng tiềm năng, sức mạnh của nông dân, nhờ đó đem lại những biến chuyển to lớn về nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 7 khóa X (7-2008) đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”. Điều đó cho thấy, không ai có thể thay thế được vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đội Thanh niên xung kích thành phố phối hợp nhân dân xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) làm cầu vượt nội đồng. Ảnh: THU HIỀN

Sau 30 năm đổi mới, nhiều cơ chế, chính sách không còn phù hợp trước tình hình mới. Người nông dân trở thành đối tượng yếu thế, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường; giai cấp nông dân đang đối diện những thách thức nghiệt ngã, nếu không định dạng và nhận thức đầy đủ, có nguy cơ đẩy nông dân rơi vào vị thế bất lợi, đánh mất vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Có thể nhận diện những mâu thuẫn, nghịch lý sau đây cần phải được giải quyết cả trong nhận thức, chính sách và thực tiễn nhằm phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Một là, mâu thuẫn giữa tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ của hộ tiểu nông với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mọi hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản đều được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Tình trạng được mùa mất giá, nông dân thường xuyên bị thua thiệt trên thị trường, đã phản ánh kinh tế hộ tiểu nông riêng lẻ, manh mún đã và đang gặp trần giới hạn. Đối diện với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, giá cả nông sản rẻ mạt, canh tác không có lãi, cạnh tranh với nông sản nước ngoài rất gay gắt… người nông dân không còn mặn mà với ruộng đất. Nhiều nơi nông dân chỉ sản xuất cầm chừng để giữ đất hoặc cho thuê mướn, chuyển nhượng một cách không chính thức. Do đó, vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, nhu cầu liên kết giữa những người nông dân với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao… đang trở thành những vấn đề cấp bách đặt ra phải được giải quyết để mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Hai là, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và định hướng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).

Nói tới sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đương nhiên, chủ thể phải là người nông dân. Song, chính quá trình CNH, HĐH đang xuất hiện không ít nghịch lý cản trở, làm lu mờ vai trò chủ thể của người nông dân. Nguồn lực cho CNH, HĐH được nuôi dưỡng phần lớn từ khu vực nông nghiệp - nông thôn, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản, lao động. Trên thực tế, các chính sách của Nhà nước vẫn thiên về khai thác hơn là bồi đắp, tái tạo, đẩy nguồn lực tự nhiên khu vực nông thôn ngày càng cạn kiệt, sinh lực của nông dân ngày càng bị hao tổn. Trong không ít trường hợp, người nông dân “đứng ngoài lề” các dự án công nghiệp hóa, đô thị hóa, ít được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế. Đó là tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp thành các dự án công nghiệp, dịch vụ mà nông dân không còn chủ quyền sinh kế trên mảnh đất ngàn đời của họ. Địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa.

Ba là, nghịch lý giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn với những bất cập của những thiết chế xã hội bảo đảm năng lực chủ thể của nông dân.

Nói nông dân là chủ thể của phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn không hẳn là những cá nhân nhà nông đơn lẻ, mà là hiệp quản trong những thiết chế xã hội đặc thù được họ thiết lập và tham gia một cách tự giác, tự nguyện. Hội Nông dân là một tổ chức đại diện của nông dân, giúp nông dân tăng cường thêm nguồn lực, nguồn vốn xã hội để thực hiện đầy đủ vai trò chủ thể của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong nền kinh tế thị trường, mà nếu từng hộ tiểu nông đơn lẻ sẽ luôn rơi vào địa vị yếu thế, rủi ro, bị loại ra ngoài lề của sự phát triển. Bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào hình thành cũng nhằm liên kết các cá thể đơn lẻ để có thêm sức mạnh và chúng càng quan trọng hơn đối với các nhóm xã hội yếu thế. Vì vậy, nói phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, không thể không nói đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là phát huy vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người của nông dân, những hủ tục lạc hậu ở nông thôn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau.

Xây dựng nông thôn thời gian qua có xu hướng tập trung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, điều đó không sai, nhưng sâu xa phải phát triển được sản xuất, tạo ra giá trị mới, mở mang được văn hóa, đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, không ngừng nâng cao dân trí, tổ chức lại dân cư gắn với cấu trúc lại hệ thống sinh kế bền vững. Đó là một cuộc cách mạng sâu rộng với nông thôn, cần đến tinh thần chủ động, thái độ tự giác, tích cực và bản thân người nông dân với vai trò chủ thể phải được chăm lo phát triển vượt trước gồm cả nếp nghĩ, nếp cảm, cách làm.

Để phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần làm rõ những vấn đề cốt lõi sau:

Thứ nhất, luận giải, tìm tòi các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, làm rõ vai trò của người nông dân trong môi trường, điều kiện chính trị, điều kiện xã hội, điều kiện phát triển của nền nông nghiệp, của xã hội nông thôn hiện nay. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thì trách nhiệm xã hội của nông dân và vai trò chủ thể của giai cấp nông dân nên được hiểu như thế nào? Cần được phát huy như thế nào và bằng các phương thức nào?

Thứ hai, những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, nhất là các rào cản đối với nông dân cần phải tháo gỡ để giai tầng này thật sự phát huy vai trò chủ thể trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Điều cần nhấn mạnh là chúng ta tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà xu hướng tất yếu là rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ; công nghệ cao được áp dụng ngày càng rộng rãi vào các khâu tạo giống, cải tạo môi trường sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản; mô hình nông trại thông minh trở thành lựa chọn cho các nhà nông chuyên nghiệp; toàn cầu hóa đang tạo áp lực gay gắt với khu vực nông nghiệp ra sao?

Thứ ba, nhận diện, phân tích, đánh giá các mô hình thực tiễn về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; xây dựng hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học; chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản cho nông dân; tham dự chính trị của nông dân ở nông thôn; những thành tựu và bất cập của xây dựng nông thôn mới...

Thứ tư, vai trò của các đối tác tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, khi nông dân đóng vai trò chủ thể, nhất là vai trò, vị trí của doanh nghiệp, nhà khoa học. Cơ chế, phương thức, mô hình nào để doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp - nông thôn, mà không dẫn tới hoán đổi địa vị giữa chủ thể và đối tác, không đánh mất quyền làm chủ ruộng đất của người nông dân.

Thứ năm, Hội Nông dân được định vị ở đâu, chiều kích nào trong quá trình phát huy vai trò chủ thể của nông dân tái cấu trúc ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đi nào cho đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội để thu hút, đoàn kết, tập hợp nông dân phát huy đầy đủ vai trò chủ thể; mối quan hệ ba bên, bốn bên giữa Hội với Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế khác trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp xây dựng cơ sở vững chắc cho việc giữ vững và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xác định rõ vai trò của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành (tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, khoa học công nghệ,…), các tổ chức (Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ, thanh niên, công đoàn, cựu chiến binh…); vai trò của Hội Nông dân Việt Nam (từ T.Ư đến cơ sở) và những nỗ lực tự thân của giai cấp nông dân cần được phát huy như thế nào? Cần có tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ CNH, HĐH với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, kỹ năng mới, quyết tâm mới" để người nông dân có đời sống cao hơn và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp yêu cầu của tình hình mới.

Lại Xuân Môn
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam


Theo báo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)