Xây dựng Nông thôn mới: Chặng nước rút nhiều cam go

Thứ tư, 24/08/2016 14:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều huyện ngoại thành của Thành phố Hà Nội hiện đang ở giai đoạn “nước rút” để thúc đẩy một số xã còn lại trong huyện đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Việc dồn các nguồn lực cho những xã sau cùng cần sự dồn lực và những cách làm quyết tâm của lãnh đạo cơ sở.

Trồng măng tây cho thu nhập cao tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ghi nhận ở Mê Linh

Hiện nay, toàn huyện Mê Linh đã có 9/16 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 14 – 18 tiêu chí. Chính vì vậy, huyện đã đặt mục tiêu khá mạnh dạn là đưa 7 xã còn lại về đích NTM trong năm 2016 gồm Tiến Thịnh, Chu Phan, Tam Đồng, Văn Khê, Kim Hoa, Hoàng Kim và Tự Lập.

Khó khăn về nguồn lực cũng là vấn đề mà hầu hết 7 xã này đang gặp phải. Đơn cử, tại các xã Chu Phan và Tam Đồng, 4 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí không hề dễ dàng như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Xã Tiến Thịnh có 7 thôn nhưng mới có 3 thôn bố trí được diện tích đất để xây dựng nhà văn hóa. Để giải quyết vấn đề nguồn lực, các địa phương đã tích cực triển khai đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế, khó khăn của địa phương... nhưng thực tế một số xã thực hiện xây dựng NTM còn chưa chủ động trong công việc, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của huyện, chưa phát huy được hết nội lực trong nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế Mê Linh cho biết, nhu cầu vốn để thực hiện xây dựng NTM của 7 xã từ nay đến hết năm 2016 là khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, riêng chủ yếu là đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn và đường giao thông, kênh mương trục chính nội đồng. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, huyện đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh huy động xã hội hóa.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cũng chia sẻ, ngay từ đầu năm huyện quyết tâm phấn đấu đạt bằng được nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhắc nhở các xã còn trông chờ vào hỗ trợ của cấp trên, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện đã có chính sách hỗ trợ vốn “mồi”, phần việc còn lại các địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mê Linh đề nghị Phòng Kinh tế huyện tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tiếp tục kiểm tra các xã. Đồng thời giao các ngành chủ động liên hệ với các xã để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đích đến cuối cùng là chất lượng cuộc sống

Lãnh đạo TP Hà Nội luôn bám sát mục tiêu của chương trình xây dựng NTM đó là cải thiện chất lượng sống của cư dân ở nông thôn. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, qua rà soát theo chuẩn nghèo mới, đến nay toàn TP còn 65.377 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ 3,64%. Trong đó khu vực nông thôn còn 60.272 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015.

Đến thời điểm hiện tại đã có 218/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, giảm 109 xã so với năm 2015. Như vậy, toàn TP còn 168/386 xã chưa đạt tiêu chí này, tăng 109 xã so với năm 2015. Rõ ràng, đây đang là thách thức không nhỏ cho chặng đường về đích NTM của các địa phương nói riêng và toàn TP nói chung.

Hiện nay, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương trên địa bàn TP chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp, việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, để nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân…

Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của TP về xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đối với sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn…


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)