Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất ở Sóc Trăng

Thứ năm, 30/06/2016 10:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, nhân dân Sóc Trăng đã đóng góp nhiều công sức, tiền của để làm đường sá, cầu cống, các công trình công cộng khác, vừa làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và phục vụ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Xã viên HTX bò sữa Evegrowth huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sơ chế sữa bò nguyên liệu.

Bộ mặt nông thôn đổi mới

Xuất phát điểm là tỉnh nghèo, để xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thành công thì Sóc Trăng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Xác định rõ điều này, bên cạnh huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, các cấp, các ngành còn đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân, không trông chờ, ỷ lại mà cùng chung tay, góp sức quyết tâm XDNTM. Biết dựa vào dân, huy động sức dân là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp nhiều địa phương trong tỉnh sớm “cán đích” nông thôn mới, có nhiều nơi đã hoàn thành mục tiêu trước thời gian kế hoạch đề ra. Nhiều người đã sẵn sàng hiến đất làm đường, trường học, trạm y tế, đóng góp tiền của, ngày công lao động để bắc cầu nông thôn, xây dựng các công trình công cộng…

Ông Nguyễn Văn Quang ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành cho biết: “XDNTM không phải là việc của riêng ai cho nên tôi đã hiến 1.000 m² đất ruộng để làm đường. Đường giao thông rộng rãi, sạch sẽ thì gia đình mình, con cháu mình cùng mọi người đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản được dễ dàng hơn. Được góp một phần công sức cho nông thôn phát triển như ngày nay, tôi không mong mỏi gì hơn”. Còn ông Nguyễn Minh Hải ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Thấy các cháu mỗi ngày đi học phải lặn lội đường sá xa xôi, nắng bụi, mưa bùn, cho nên tôi đã hiến 7.800 m² đất để Nhà nước xây dựng trường gần nhà cho các cháu học tập”. Bà con lối xóm còn rủ nhau phát quang bụi rậm, trồng hoa, làm cột cờ, hàng rào; nông dân, phụ nữ, thanh niên thì lo phát động các phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học, nhân rộng, phát triển những mô hình sản xuất cho thu nhập cao, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Nhiều vùng nông thôn giờ đây bừng lên sức sống mới.

Từ khi phát động XDNTM, nhân dân trong tỉnh đã hiến gần 400 ha đất, đóng góp hơn 784 tỷ đồng, cả trăm nghìn ngày công lao động, xây dựng 751 cây cầu, nâng cấp cả chục nghìn km lộ nông thôn. Các tuyến đường giao thông nối liền các vùng sản xuất tập trung ở nông thôn đã góp phần rất lớn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi, ổn định trong tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập đáng kể. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 24,7% năm 2011 giảm xuống còn 12,22% năm 2015, riêng tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm gần 4% mỗi năm.

Thúc đẩy sản xuất phát triển

Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN), các địa phương trong tỉnh đã xác định được tiềm năng, lợi thế của từng nơi, từng vùng, tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng “nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ấn tượng nhất trong thực hiện TCCNNN là huyện Mỹ Xuyên, trước đây nông dân sản xuất độc canh cây lúa hoặc con tôm, thu nhập bấp bênh, nhưng nhờ cán bộ nhạy bén, nông dân cần cù cho nên đã vận dụng thực hiện đạt hiệu quả cao mô hình “lúa thơm - tôm sạch”. Mô hình này đã phát triển rộng cả chục nghìn héc-ta ở sáu xã trong huyện và đang tiếp tục được mở rộng ra các vùng phù hợp khác. Riêng huyện Mỹ Tú thì đang dồn sức tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng tiên tiến, liên kết trong sản xuất, sản xuất gắn với tiêu thụ. Đối với cây lúa thì chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cánh đồng mẫu lớn có sự tham gia của doanh nghiệp, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; xây dựng vùng cây ăn trái chuyên canh cam sành, quýt đường tại các xã: Long Hưng, Hưng Phú, Mỹ Tú, Mỹ Hương; sản xuất hoa màu tập trung, thực hiện liên kết bốn nhà thông qua cầu nối là các tổ hợp tác, hợp tác xã. Các huyện, thị xã khác như Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm… thì đang đẩy mạnh phát triển lúa đặc sản, tạo ra sản phẩm gạo thơm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các địa phương, hộ nông dân đã xác định được nhiều loại cây, con có lợi thế, xây dựng nhiều mô hình cánh đồng lớn. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới, phát triển đa dạng…

Tuy nhiên, thời gian tới, Sóc Trăng cần tập trung TCCNNN, xây dựng nông thôn mới gắn với thực chất cuộc sống của người dân; cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất có quy mô lớn, với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp điều kiện của từng vùng; tiếp tục tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, triển khai, nhân rộng các mô hình hiệu quả, xác định từng loại cây, con phù hợp với từng vùng. Về XDNTM, Sóc Trăng cần rà soát lại việc thực hiện các chính sách, cơ chế, từ đó tìm ra những thuận lợi, khó khăn khi vận dụng tại địa phương để thực hiện, từ đó có những kiến nghị phù hợp; duy trì và phát triển các xã đạt chuẩn nông thôn mới; phát triển nhanh mô hình hợp tác xã để làm đầu mối trong liên kết sản xuất, cạnh tranh với thị trường; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Theo Báo nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)