Xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn: Từ thay đổi nhận thức đến vận dụng sáng tạo

Thứ tư, 11/05/2016 13:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không có điều kiện để bố trí nguồn lực lớn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Sóc Sơn đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách vào thực tiễn để đúc kết thành những kinh nghiệm, bài học hay, khẳng định dấu ấn riêng. Đây là mô hình hay trong xây dựng NTM, cần phổ biến nhân rộng để học tập.  

Tái cơ cấu nông nghiệp là trọng tâm

Khi xây dựng NTM, đồng thời với việc vận dụng cơ chế, chính sách, Sóc Sơn tập trung chỉ đạo các địa phương lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp. Trong đó, huyện xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá. Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 11.000 ha. Thông qua dồn điền đổi thửa, nhân dân các địa phương đã dành hàng nghìn mét vuông đất, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho xây dựng NTM, đồng thời, đồng ruộng, kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng được chỉnh trang, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất. Sau dồn điền đổi thửa, hầu hết các xã đã xây dựng kế hoạch từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh. Các địa phương đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống theo hướng chất lượng và giá trị; phát triển chăn nuôi hàng hóa trang trại, gia trại tập trung; nuôi trồng thủy sản chuyển mạnh sang thâm canh… Từ đây, Sóc Sơn bắt tay thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cùng với việc rà soát, đánh giá tổng kết các mô hình liên kết theo chuỗi hiện có, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách để hoàn thiện và mở rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Sóc Sơn lấy nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp làm chủ thể, chính quyền các cấp giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… nhằm đổi mới nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời đã khuyến khích phát triển mạnh kinh tế trang trại về cả số lượng và quy mô. Mục sở thị trang trại, gia trại ở xã Bắc Sơn cho thấy hướng đi của Sóc Sơn vừa trúng và đúng. Ông Nguyễn Văn Thứ, thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn cho biết, trang trại của gia đình có 3.000 con gà, chủ yếu là giống gà mía, gà ri, gà lai chọi, đây là những sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Điểm khác biệt trong chăn nuôi so với các địa phương khác, các hộ chăn nuôi ở đây đã sớm liên kết sản xuất, để tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm gà đồi Sóc Sơn.

Cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống của địa phương đã có thay đổi mạnh. Đến nay, giống lúa thơm, lúa lai chiếm 52% với diện tích 4.100 ha lúa chất lượng và vùng sản xuất lúa chất lượng theo hướng hàng hóa đạt 3.900 ha. Toàn huyện đã mở rộng diện tích trồng 1.500 ha cây ăn quả, 230 ha rau an toàn (20 ha rau hữu cơ), 223 ha hoa nhài, 15 ha hoa giá trị cao, 200 ha chè an toàn... Các sản phẩm nông nghiệp đã được huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu và có vị thế trên thị trường. Ngoài ra, Sóc Sơn tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn nâng cao hoạt động các HTX nông nghiệp. Nhiều HTX đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ tổng hợp bảo vệ đồng ruộng, dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp, đồng thời gắn sản xuất hàng hóa với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh thử nghiệm, khảo nghiệm lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, từng bước chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị canh tác. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, huyện đã đưa 3.800 máy các loại vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động…

Ông Vương Văn Bút cho biết thêm, trong điều kiện sự hỗ trợ của nhà nước có hạn, thì công tác tuyên truyền vận động có vai trò quan trọng. Bởi các nội dung xây dựng NTM, đều phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân theo nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Thông qua tuyên truyền, nhân dân huyện đề hiểu rõ, Chương trình xây dựng NTM trước hết là làm cho người dân nông thôn và vì người dân. Mỗi người dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư nông thôn phải là chủ thể. Trong xây dựng NTM, nông dân làm là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ. Các xã, các thôn xóm và người dân nông thôn phải chủ động, không chông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, đồng thời, không nóng vội chạy theo thành tích. Với phương châm, làm đâu chắc đó, đến hết năm 2015, toàn huyện có 12 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2016, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM.

Thiết nghĩ, diện mạo của Sóc Sơn sẽ có nhiều đổi thay từ hướng đi đúng và những chương trình được đề ra cụ thể, phù hợp với đặc thù của địa phương. Nhân dân phấn khởi, tự nguyện chung sức đồng lòng cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM, cho thấy chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Sóc Sơn đã đi vào cuộc sống.


Theo hanoi.gov.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)