Xây dựng nông thôn mới từ những nhân tố tích cực

Thứ sáu, 18/03/2016 12:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mối quan hệ tại làng xã bao đời nay đều coi trọng tôn ti, trật tự và những người lớn tuổi có uy tín ở địa phương. Ở nhiều địa phương tại Hà Nội, việc xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã được “mở đường” nhờ nhiều con người có “uy tín” trong cộng đồng dân cư.

Từ hỗ trợ công việc trong thôn xóm với nhau, nhiều nhân tố điển hình đã được phát hiện trong xây dựng NTM

Quan tâm đến đời sống đồng bào

Theo số liệu của Ban Dân tộc Hà Nội, hiện nay toàn TP Hà Nội có 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 152 thôn, trong đó có 145 người có uy tín được UBND TP phê duyệt, chủ yếu thuộc dân tộc Mường (chiếm hơn 76%).

Đội ngũ người có uy tín tại các thôn, bản ngày càng thể hiện sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Nhiều cá nhân đã phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn… Hàng năm, 100% gia đình người có uy tín đều đạt gia đình văn hóa.

Trong chương trình xây dựng NTM của Hà Nội, lãnh đạo TP xác định việc chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho những người có uy tín hoạt động chính là nhân lên những “hạt giống đỏ” trong đồng bào DTTS. Nhiều câu chuyện “có hậu” từ thực tế của quan điểm chỉ đạo này đã giúp chương trình NTM ngày càng hoàn thiện hơn.

Ví dụ như tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì có hơn 33% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có 3 thôn được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Năm 2015, xã có 4 công trình xây dựng theo Kế hoạch 166 của TP và vốn lồng ghép khác nhưng đáng mừng là cả 4 công trình đều không phải đền bù giải phóng mặt bằng. Diện tích đất dành cho các công trình đều từ vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến hơn 9.100m2.

Hay như tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, dù là địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống, song việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn xã có 9/12 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa.

Nhân rộng thêm nhiều “hạt giống”

Nói về cách vận động của mình, ông Đinh Quang Nhanh, người có uy tín ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức chia sẻ, trước hết phải đề cao tinh thần trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác dân tộc. Bản thân và gia đình người có uy tín phải gương mẫu trong việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, theo ông Nhanh: “Quá trình đi vận động mọi người tôi rất quan tâm đến những người giống như mình, thuận và làm theo chủ trương, tạo lập được cuộc sống sung túc. Những người đó cùng làm như mình thì cộng đồng dân cư sẽ mau lớn mạnh, phát triển”, đó là cách ông Nhanh tự nhân thêm nhiều “hạt giống” cho phòng trào thi đua sản xuất và thực hiện chủ trương chính sách tại địa phương.

Ông Nguyễn Vạn Nam, người có uy tín thôn Liên Bu, xã Minh Quang, huyện Ba Vì thì tâm đắc với việc trong quá trình tổ chức thực hiện đã đảm bảo dân chủ, công khai. Người uy tín tham gia trực tiếp cùng cơ sở thôn nắm bắt tình hình, vận động để nhân dân đồng thuận cao. Nhưng trước khi vận động được nhiều người cùng đồng thuận với chính sách thì ông Nam cho rằng việc hữu ích nhất là vận động ngay con cháu trong nhà cùng đồng thuận và thực hiện tốt các chủ trương chính sách tại địa phương. “Từ nhà mình đồng lòng thì hàng xóm mới nhìn thấy và nghe theo được, hàng xóm nghe theo rồi nói chuyện với nhau thì nhiều khi mình chưa cần đến tận nơi vận động mọi người cũng đã làm theo các chính sách rồi. Vì họ nhìn thấy được lợi ích từ những chính sách cho bản thân mình”, Ông Nam chia sẻ.

Trong một buổi nói chuyện mới đây với đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào DTTS của Hà Nội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Minh Thắng đề nghị thời gian tới, Ban Dân tộc TP và các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín hoạt động trong đời sống xã hội, ở xóm làng. Đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những người có uy tín có thành tích tốt. Cùng với đó tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với người có uy tín nói riêng.

Việc học hỏi cách làm từ những “hạt giống” này cũng đang được nhiều cấp ủy các địa phương quan tâm và đưa vào các chương trình sinh hoạt. Người xưa có câu “phép vua thua lệ làng”, ở một phương diện nào đó có thể vẫn áp dụng được cho đời sống cư dân hiện nay. Nhưng đó là cách áp dụng để “lệ làng” có thể thuận theo dòng chảy của xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ được những hồn cốt trong ứng xử nhân văn của những người có tâm.


Theo chinhphu.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)