Những cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 29/01/2016 12:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau năm năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Nghệ An đã có 109 xã đạt chuẩn, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng xã đạt chuẩn NTM. Xứ Nghệ trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước.

Cây cam đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông.

Xã nghèo xây dựng NTM

Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương là xã đầu tiên trong ba huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Nghệ An cán đích NTM. Xây dựng NTM trong hoàn cảnh của một xã nghèo, Ðảng bộ Thạch Giám xác định trước hết phải tập trung phát triển kinh tế dựa vào lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với chủ trương đó, xã phát động bà con ở các bản: Mác, Lau, Mon, Chắn... tùy theo điều kiện đất đai, tập trung trồng các loại cây lâm nghiệp, hay các loại rau, hoa quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa bảo vệ môi trường. Đến nay, sau thời gian ngắn triển khai, nhiều hộ nông dân đã có “của ăn của để”, điển hình như gia đình ông Vang Văn Lương, bản Cây Me đã trồng 10 nghìn cây xoan đến tuổi thu hoạch, ước tính giá trị lên đến hàng tỷ đồng... Khác với bản Cây Me, từ năm 2013 người dân bản Chắn lại tập trung trồng chuối tiêu. Từ một ha ban đầu, đến nay sau hai năm đã nhân rộng lên hơn bốn ha, thu hút hàng chục gia đình tham gia. Chi phí không nhiều, công không quá vất vả nhưng thu nhập ổn định so với trồng lúa, bình quân mỗi hộ lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Tại bản Phòng và bản Nhẵn, người dân đã biết tận dụng triệt để diện tích đất bằng ven sông, khe, suối để xây dựng mô hình trồng rau sạch: cải, cải bắp, su hào, cà chua múi, cà ngọt... tăng thêm thu nhập. Để mô hình đạt hiệu quả cao, huyện Tương Dương cử cán bộ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cung cấp giống cho nhân dân gieo trồng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm các hộ thu về hơn 10 triệu đồng, thậm chí có nhiều hộ lãi gấp đôi.

Chủ tịch UBND xã Thạch Giám Mạc Văn Nguyên cho biết, kinh tế phát triển, người dân có điều kiện “góp công góp của” đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Đến nay, Thạch Giám có 15,61 km đường thôn bản, liên bản và 85% hệ thống đường ngõ bản được đổ bê-tông theo chuẩn NTM. Nhờ đó việc lưu thông hàng hóa ngày càng thuận lợi.

Yên Khê là xã đầu tiên của huyện miền núi Con Cuông tiên phong đột phá áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vi Văn Đậu cho biết: Từ một xã khó khăn, hằng năm thiếu đói lương thực cao nhất huyện, những năm 1999 - 2000 Yên Khê đã trở thành xã đầu tiên trong huyện đưa năng suất lúa lai đạt 9 đến 10 tạ/ha, không thua kém một số huyện lúa vùng đồng bằng. Năm 2011, xây dựng NTM của xã Yên Khê chỉ mới đạt năm tiêu chí. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là các tiêu chí giải quyết giảm tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập. Xác định rõ khó khăn, Yên Khê đã tìm lối mở từ những lợi thế. Ngoài kinh nghiệm đột phá từ cây lúa nước, Yên Khê có một vùng đất phong hóa phù hợp với hai loại cây: chè và cam. Trong chín bản, Yên Khê phân vùng: bốn bản vùng trong là Khe Tín, Trung Thành, Trung Hương và Trung Chính tập trung phát triển cây chè, keo, chăn nuôi trâu bò, dê, với khoảng hơn 210 ha; các bản vùng ngoài còn lại: Bản Pha, Bản Nưa, bản Tờ… có địa thế bằng phẳng tập trung cây lúa nước, ngô và một số cho cam… Thực tế cây chè và cây cam chất lượng có thương hiệu đã có mặt từ trước tại Yên Khê khi còn Nông trường Bãi Phủ. Những năm từ 1999 đến 2005, nông trường giải thể đã giao khoán cho dân. Được sự hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật, các hộ đã tổ chức liên gia để phát triển hai loại cây này. Khi được tổ chức lại, trong 5 năm qua, cây chè đã cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, cam cho thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng/ha sau khi trừ các chi phí, với diện tích được tăng nhanh lên hơn 153 ha. Nhờ vậy, đã tạo thu nhập đáng kể để đạt tiêu chí khó nhất (từ 6,8 triệu đồng/người/năm, nay tăng lên gấp ba lần, hơn 18 triệu đồng/người/năm). Về Yên Khê hôm nay, các bản làng môi trường sạch, đẹp, không còn các hủ tục lạc hậu. Khu du lịch sinh thái Tạ Bó (khe nước mọc) đang hình thành, thu hút ngày càng đông du khách, đang dần tạo cho Yên Khê mở thêm các dịch vụ phát triển du lịch…

Xứng đáng ở tốp đầu

Đến nay, Nghệ An đã có 114 trong số 431 xã đạt các tiêu chí NTM, trong đó có 109 xã đạt đủ 19 tiêu chí được UBND tỉnh công nhận. Bình quân mỗi xã trong tỉnh đạt 12,26 tiêu chí (tăng 8,36 tiêu chí so với năm 2010). Trong đó có một huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Để đứng tốp đầu cả nước trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An nhận thức rõ, xây dựng NTM phải huy động sức mạnh của toàn xã hội, tạo thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trước hết tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa làm thay đổi diện mạo nông thôn. Chú trọng các giải pháp tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Ngoài các chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ như xi-măng làm giao thông; thưởng các công trình phúc lợi cho các xã được công nhận đạt chuẩn NTM… Cùng với đó, nhiều địa phương cũng có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM… Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động gần 21 nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công và hàng trăm nghìn m2 đất do nhân dân tự nguyện hiến, trao tặng. Điển hình như xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, nhân dân đã tự nguyện đóng góp bảy tỷ đồng xây dựng cầu…

Năm 2016, Nghệ An phấn đấu bình quân chung đạt 13 tiêu chí NTM/xã, tăng 0,73 tiêu chí/xã so với năm 2015; phấn đấu có 34 xã đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội để công tác xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh. Cùng với đó, Nghệ An tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cấp để có kinh phí thực hiện chương trình. Đối với các xã miền núi, trong lúc chưa xây dựng được cả xã thì phải xây dựng cho được các thôn, làng, bản NTM, để tiến tới cả xã đạt NTM. Đặc biệt, Nghệ An đẩy mạnh phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện chương trình. Năm 2016, Nghệ An xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng chanh leo xuất khẩu, trồng cam, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, trồng rừng, thủy sản… tăng thu nhập cho nông dân.

Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra; có 50% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương 216 xã), có bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 14,5 tiêu chí NTM/xã; không còn xã đạt dưới bảy tiêu chí.

 

Theo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)