Thạch Thất – Hà Nội: Phấn đấu thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014

Thứ hai, 08/09/2014 14:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau hơn 3 năm triển khai, huyện Thạch Thất đã có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí. Hiện nay, các xã trong huyện đang dồn sức hoàn thành thêm các tiêu chí khác, phấn đấu từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 4 xã nữa đạt xã nông thôn mới.

Thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Thạch Thất

Nằm ở phía Tây thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất có tổng diện tích đất tự nhiên là 18.459,05 ha, trong đó 34,8% diện tích tự nhiên là miền núi, 35,2% đồi gò và 30% đồng bằng, 5,2% dân tộc thiểu số, do đó, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tại thời điểm năm 2010, trên địa bàn huyện có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5-6 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí chưa đạt ở các xã tập trung như: quy hoạch, thu nhập, hộ nghèo, thủy lợi, giao thông, lao động có việc làm thường xuyên, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn. Trên cơ sở số liệu khảo sát, huyện đã chọn xã Đại Đồng là xã điểm để thực hiện trước một bước và thống nhất chọn 10 xã thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2011-2015 gồm các xã: Phùng Xá, Hương Ngải, Di Nậu, Chàng Sơn, Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Xá, Kim Quan, Bình Yên, Hạ Bằng; các xã còn lại thực hiện giai đoạn 2 từ năm 2015-2020.

Để triển khai xây dựng NTM đạt hiệu quả, ngay từ những ngày đầu, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát lập kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng, kinh tế xã hội theo hướng đạt chuẩn NTM với phương châm tận dụng tối đa các hạ tầng sẵn có, đầu tư tu sửa nâng cấp những công trình chưa đáp ứng tiêu chí và chỉ đầu tư mới những công trình còn thiếu và thật sự cần thiết, quan tâm đầu tư cho hạ tầng phát triển kinh tế. Riêng năm 2013, huyện đã tập trung cao độ cho đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ dồn điền đổi thửa. Tập trung đầu tư nâng cấp, tu sửa các hệ thống giao thông theo đề án giao thông nông thôn. Trước khi xây dựng NTM có 198/496 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 38,1%. Sau khi thực hiện Chương trình 02-CTr/TU đến hết năm 2013 đã cứng hóa thêm 216 km, nâng tổng số đường cứng hóa là 414 km đạt 83,4%; giao thông nội đồng đã cứng hóa thêm 87,7 km nâng tổng số km cứng hóa lên 104,7 km đường trục chính nội đồng đạt 30,8%.

Trong phát triển và tổ chức sản xuất, huyện đã chọn khâu giống làm khâu đột phá với phương châm đi tắt đón đầu, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện Thạch Thất đã chuyển đổi căn bản bộ giống lúa cũ sang các giống mới, chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao của huyện hiện chiếm 94,6%. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, huyện triển khai mô hình mạ khay, cấy máy tại tất cả 23 xã, thị trấn với diện tích mỗi địa phương 2 - 3ha, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Đã chỉ đạo thành công nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như rau an toàn đã được nhân rộng tại các xã: Hương Ngải, Hạ Bằng, Canh Nậu, Đại Đồng. Mô hình hoa lily ở xã Đại Đồng, Yên Bình cho thu nhập 2,7 tỷ/ha trong 4 tháng canh tác; đã hình thành mô hình sản xuất hoa lan ở các xã Bình Yên và Hương Ngải cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình cây ăn quả như thanh long ruột đỏ từ 6 ha năm 2010, đến năm 2013 đã mở rộng được 26 ha các xã: Yên Trung, Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên. Các mô hình bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn chín muộn đang được mở rộng tại các xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cùng với cây ăn quả, nhiều mô hình trồng cây cảnh, cây bóng mát hàng tỷ đồng mỗi năm/hộ ở các xã: Thạch Hòa, Đồng Trúc, Đại Đồng, Hạ Bằng, Thạch Xá.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch NTM. Đưa nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất. Đến hết năm 2013 toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi thủy sản ở các xã: Hương Ngải, Đại Đồng, Phú Kim, Dị Nậu, Tiến Xuân, Hạ Bằng. Các trang trại và mô hình chuyển đổi do áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả đạt khá cao, giá trị thu nhập đạt từ 200-220 triệu/ha, có nhiều trang trại, mô hình đạt từ 230-350 triệu/ha/năm. Đặc biệt, trang trại lợn rừng chăn thả tự nhiên đảm bảo an toàn sinh học tại xã Yên Bình với quy mô trên 10.000 con cho thu nhập từ 15-16 tỷ đồng/năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong xã… Nhờ chuyển đổi sản xuất, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 22 triệu đồng/người/năm.

Tự hào là một mảnh đất với nhiều làng nghề truyền thống, lưu truyền các sản phẩm thủ công chứa đựng các giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Đến hết năm 2013 toàn huyện có 50/59 làng có nghề trong đó có 10 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai quy hoạch và thực hiện 1 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích 264 ha giao đất cho 1235 doanh nghiệp và hộ đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, đã có 925 doanh nghiệp đang hoạt động và trên 20.000 hộ sản xuất kinh doanh. Đã và đang triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Mộc của làng nghề Chàng Sơn, sản phẩm Bánh chè lam của làng nghề Thạch Xá tạo điều kiện để làng nghề tiếp tục phát triển.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Thạch Thất đã có 6 xã đủ điều kiện công nhận xã NTM gồm Đại Đồng, Hương Ngải, Phùng Xá, Hạ Bằng, Bình Yên, Dị Nậu. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết: quan điểm của huyện là không chạy theo số lượng, mà phải tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Để có được những kết quả đó, huyện đã chỉ đạo các xã bám sát bộ tiêu chí NTM, thường xuyên giao ban tiến độ, cân đối nguồn lực địa phương để có giải pháp thực hiện tiêu chí. Năm 2014, Thạch Thất phấn đấu có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó, có 1 xã miền núi là Tiến Xuân. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ xây dựng NTM tại cả 22 xã với mục tiêu về đích trước so với kế hoạch chung của thành phố 1 đến 2 năm.


Theo Hà Nội Portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)