Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Thứ hai, 10/03/2014 15:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trong các phiên họp để bảo đảm Hiến pháp vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp cho ý kiến vào rất nhiều dự án luật. Mỗi dự án luật, việc đầu tiên là bám sát Hiến pháp, phải đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Mỗi dự án luật không thể làm một lúc nhưng từng pháp lệnh, Nghị quyết đều phải bám sát tinh thần đó.

Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Các đại biểu đề nghị xem xét kỹ các điều khoản liên quan tới các luật hiện hành như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Điều 3 của dự án Luật, các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản là nhà ở thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. Một số ý kiến đề nghị, các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản là nhà ở phải được quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Về sàn giao dịch bất động sản, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, cần xem xét kỹ trước khi bỏ quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tán thành không bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản. Quy định này chỉ làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí, giá bất động sản “ảo”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội đồng ý với việc không bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải bán và chuyển nhượng, cho thuê và cho thuê mua bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu bất động sản, có ý kiến đề nghị thời điểm chuyển quyền sở hữu bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị việc quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu bất động sản là thời điểm mà việc đăng ký chuyển quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng có hiệu lực. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Đất đai về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất.

Liên quan tới nguyên tắc kinh doanh bất động sản, nhiều ý kiến tán thành với quy định “Đối tượng được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản”. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ để đảm bảo quản lý nhà nước về bất động sản.

Góp ý vào Dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ khái niệm “bất động sản” để từ đó cụ thế hóa trong các điều, khoản của Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và phù hợp với các luật khác. Sàn giao dịch bất động sản để minh bạch hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng hóa chứ không phải là nơi để môi giới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị không nên bỏ quy định này mà cần giữ như Luật hiện hành và bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ./.

Theo : VOV Online

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)