Tỉnh Quảng Trị phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây mới hơn 3.600 nhà ở cho hộ nghèo; đến cuối năm 2025 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm.
Hộ nghèo tại huyện Đăkrông đón nhà mới khang trang - Ảnh: Báo Quảng Trị
Tại Quảng Trị, hiện nay còn nhiều nhà ngôi nhà xuống cấp, dột nát của các hộ nghèo, cận nghèo có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi mùa mưa bão sắp tới. Nhưng với những chương trình hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều hộ nghèo vùng sâu vùng xa, đồng bào thiểu số có cơ hội được sống an tâm trong ngôi nhà vững chắc, an toàn.
Gia đình bà Hồ Thị May, ở thôn Ngược, xã Tà Long, huyện Đakrông là một trong hơn 700 hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Trị đã được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở mới kiên cố, khang trang, ổn định cuộc sống.
Hộ bà May thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. Ngôi nhà rộng khoảng 50 m2, kiên cố, được thiết kế đầy đủ các công năng để ở, sinh hoạt, an toàn, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, cho biết HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua đề án "Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026" (Đề án 197) với hơn 3.150 ngôi nhà sẽ được xây dựng mới.
Thực hiện đề án trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động phong trào chung tay hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Qua đó, địa phương phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây mới 3.672 nhà ở cho hộ nghèo; đến cuối năm 2025 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm.
Trong đó ưu tiên các huyện đã đăng ký lộ trình về đích xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025, 9 xã miền núi đăng ký về đích nông thôn mới. Nguồn lực phân bổ từ ngân sách tỉnh, nguồn lực vận động xã hội hóa ưu tiên bố trí bù chênh lệch cùng các nguồn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tài trợ từ tổ chức, cá nhân để đảm bảo mức hỗ trợ xây nhà hộ nghèo theo quy định Đề án là 70 triệu/hộ miền núi, 60 triệu/hộ vùng đồng bằng, trung du.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết từ khi phát động đến nay, Ban Chỉ đạo đề án 197 đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây dựng mới 1.398 nhà (trong đó: 1.081 nhà vùng miền núi, 317 nhà vùng đồng bằng) với tổng trị giá 82,70 tỷ đồng.
Với mục tiêu mỗi năm có thể huy động xã hội hóa khoảng 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 6 tỷ đồng, cộng với nguồn các Chương trình mục tiêu quốc gia có hỗ trợ nhà ở để xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành Đề án 197.
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: "Việc thực hiện tốt Đề án 197 là cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, cũng là cách để khẳng định giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho người dân, giúp người dân thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững mà trước hết là có chỗ "an cư" để "lạc nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh Quảng Trị cơ bản xóa hết nhà ở tạm cho hộ nghèo, về đích trước kế hoạch 1 năm."