Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước những diễn biến kinh tế khó khăn, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, từng bước triển khai. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Phó Thống đốc khẳng định, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi ngân hàng xác định luôn luôn đồng hành với thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng. Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Đối với riêng chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc cho biết, là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. "Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay", Phó Thống đốc lưu ý.
Có cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc khẳng định, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các NHTM xem xét cho vay.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Hiện đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng. Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 01 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.
Vướng mắc về thủ tục pháp lý, nguồn cung
Tại hội nghị, các DN đã trao đổi nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thưc hiện dự án nhà ở xã hội như rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), thì tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM các dự án nhà ở xã hội là ít, quá trình thực hiện lại quá dài do đó để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thì đề nghị các địa phương giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội thì DN vào thực hiện đầu tư, giải ngân vốn mới nhanh.
Đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc dẫn đến người dân không mua được nhà thì cũng sẽ không vay tiền.
Dưới góc độ NHTM, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV khẳng định ngân hàng này rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Đến nay, mới tiến cập 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng. "Con số phê duyêt đợi giải ngân lớn hơn nhiều nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa có nhu cầu giải ngân bởi muốn dùng vốn tự có trước", ông Lê Ngọc Lâm cho biết thêm.
Trao đổi với các DN, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Hiện Vietcombank đã tiếp cận 21 dự án, trong đó đã ký cam kết với một khách hàng với quy mô tín dụng 500 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 là sẽ ký kết được khoảng 900 tỷ đồng. Trao đổi với các DN, đại diện Vietcombank cũng khẳng định: Các NHTM không hạn chế gì về cho vay đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng phải là chi phí nằm trong tổng mức đầu tư. Các DN giải phóng mặt bằng trước khi được công nhận là chủ đầu tư, do đó lúc này chi phí giải phóng mặt bằng lại không phải chi phí hợp lệ theo quy định. Các NHTM cũng giải ngân linh hoạt. Đồng thời, các ngân hàng cũng nhật thế chấp cả các tài sản khác, thậm chí còn dễ dàng hơn cả thế chấp tài sản là ngôi nhà hình thành trong tương lai...
Cần lập đường dây nóng, phối hợp đồng bộ
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Thời gian qua, dù phải chia sẻ một phần lợi nhuận nhưng hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, NHNN các ngân hàng cũng triển khai rất tích cực. Tuy nhiên, đây là chương trình tín dụng không phải cấp phát, không thể giải ngân ồ ạt mà bỏ qua các khâu thẩm định, các ngân hàng phải bảo đảm đúng chuẩn tín dụng, bảo đảm thu hồi nợ, tránh rủi ro hệ thống. Hơn nữa, qua khảo sát thực tế, có không ít DN còn phải tính toán, chỉ cho mức lợi nhuận 10% tổng giá thành, nếu làm mà lỗ, khá nhiều DN bất động sản làm nhà cũng chưa muốn vay.
Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư - Ảnh: VGP/HT
Qua thời gian triển khai Chương trình, NHNN nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc chính. Đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ công bố danh mục nhà ở xã hội trên địa bàn của địa phương mình. Tuy nhiên, sau khi NHNN và Bộ Xây dựng có các hướng dẫn triển khai Chương trình thì đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.
Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 4 dự án (tại TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An) trên 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Về phía người mua nhà, theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng … vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Bên cạnh đó còn có các vướng mắc về thủ tục liên quan các thủ tục pháp lý cũng như nguồn cung.
Trao đổi cởi mở với DN về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định chia sẻ với các DN về nguyện vọng lãi suất thấp, đây cũng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng cần duy trì mức lãi suất hài hòa, lãi suất cho vay liên quan đến lãi suất cho huy động, bảo đảm chi phí các bên, đồng thời phải thực dương cao hơn so với lạm phát ở mức độ nhất định mới huy động được tiền gửi.
"Thực tế, không có nhiều nước có các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho người thu nhập thấp bằng cả nguồn lực ngân sách cũng như các ngân hàng như ở Việt Nam. Điều này thể hiện tính ưu việt trong chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước ta", lãnh đạo NHNN khẳng định.
Về việc bổ sung nguồn lực ngân sách từ gói hỗ trợ 2% đang bị chậm sang chương trình này cũng được tính tới nhưng cần tính toán thấu đáo và quan trọng phải được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Phó Thống đốc khẳng định: NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hơp với thực tế triển khai. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 33/NQ-CP.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo các chi nhánh NHNN địa phương phải nắm sát từng dự án, nhu cầu vay không vay, đề nghị NHNN có đường dây nóng. Qua đó, nếu các tập đoàn DN thuộc đối tượng thụ hưởng nếu không tiếp cận được báo cáo NHNN sẽ giải quyết từng trương hợp. Tất nhiên, sẽ phải giải quyết khách quan, vỡ vướng cho các DN đủ điều kiện.