Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 hiện nay, bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn gấp 1,5 lần và khi mắc có thể bị nặng và dễ bị tử vong hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID– 19 (ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường).
WHO khuyến cáo hút thuốc lá, cũng như hút thuốc lá thụ động, làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần. Đồng thời, người hút thuốc mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn. Điều này là do COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi mắc COVID-19.
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19. (Ảnh minh họa của: Ncdalliance)
Năm 2021, WHO chọn chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá" cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Mục tiêu chính của chiến dịch Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 là hướng tới đạt được 100 triệu người cam kết và bắt đầu nỗ lực bỏ thuốc lá. Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo 3 hình thức can thiệp cần có trong Chương trình cai nghiện thuốc lá Quốc gia gồm: đưa lời khuyên cai thuốc lá vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; cung cấp đường dây hướng dẫn bỏ thuốc miễn phí và tiếp cận với các loại thuốc cai nghiện thuốc lá miễn phí hoặc chi phí thấp.
Theo WHO, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý về đường hô hấp trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, khi hút các chất hóa học độc hại trong thuốc phá hủy cấu trúc đường hô hấp khiến chức năng của phổi bị hạn chế do đó dễ bị vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập vào, đối với SARS-CoV-2 lại càng dễ dàng hơn.
Tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được khẳng định rõ ràng. Thuốc lá gây ra cái chết cho 8 triệu người mỗi năm và khi tin tức được đưa ra rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng với COVID-19 so với những người không hút thuốc, nó đã khiến hàng triệu người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể là một thách thức, đặc biệt là khi có thêm căng thẳng về kinh tế và xã hội do hậu quả của đại dịch. Trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, 60% bày tỏ mong muốn bỏ thuốc lá - nhưng chỉ 30% được tiếp cận với các công cụ giúp họ làm điều đó thành công.
Cai thuốc lá không chỉ có lợi cho sức khỏe bản thân và những người xung quanh mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và đẩy lùi COVID-19.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 31/5 hằng năm là ngày đáng nhớ đối với người bệnh và thầy thuốc về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây là ngày cả thế giới cùng nâng cao nhận thức chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá. Việt Nam đã ký công ước quốc tế về phòng, chống tác hại thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi “kẻ giết người thầm lặng”.
Tại Việt Nam, theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019", tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng thuốc lá điện tử) ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%.
Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh rất đáng quan ngại.
Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế ( Bộ Y tế) cho thấy có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%.
Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện "Luật phòng, chống tác hại thuốc lá" của 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên là 42,3%, so với điều tra năm 2015 là 45,3%. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm so với năm 2015 (2,5-12%) như: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Vì vậy, để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, ông Lương Ngọc Khuê kêu gọi những người chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc. Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà mọi người có thể làm cho sức khỏe của chính mình và người thân, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay./.