TP Hồ Chí Minh dành nguồn lực chỉnh trang đô thị

Thứ hai, 31/05/2021 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều thể hiện quyết tâm thực hiện thành công nhóm dự án chỉnh trang diện mạo đô thị. Mục tiêu này không chỉ nhằm thay đổi chất lượng sống của người dân mà còn phát triển kinh tế thành phố bền vững …

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều thể hiện quyết tâm thực hiện thành công nhóm dự án chỉnh trang diện mạo đô thị. Mục tiêu này không chỉ nhằm thay đổi chất lượng sống của người dân mà còn phát triển kinh tế thành phố bền vững …

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Ở quận 12, ký ức của người dân về rạch Ông Học là dòng nước đen kịt, đầy rác. Nạn xả rác, lấn chiếm khiến con rạch bị nghẽn dòng chảy, thường xuyên gây ngập úng và dịch bệnh cho cư dân ven bờ. Bây giờ, rạch Ông Học đã được xây kè kiên cố, dòng chảy đã thông thoáng. Sáng sớm hay chiều tối, người dân đã có thể thảnh thơi dạo chơi bên con rạch nước trong xanh. Rạch Ông Học là một trong 18 tuyến kênh, rạch mà UBND quận 12 tiến hành cải tạo, chỉnh trang. Trước đó, quận cũng đã khánh thành ba công trình trọng điểm gồm cầu Võ Rồng, công trình kè rạch Sơ Rơ và Trạm ép rác kín. Trong đó, công trình kè rạch Sơ Rơ (giai đoạn 2) tại phường Thạnh Xuân được đầu tư 40,5 tỷ đồng, khởi công vào tháng 4-2019. Sau khi công trình hoàn thành, đã giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước do mưa kết hợp triều cường dâng cao trên địa bàn quận. Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, trong 18 công trình kênh, rạch nêu trên, quận đã hoàn thành một nửa trong năm 2020. Sau khi toàn bộ 18 tuyến kênh, rạch được cải tạo, xây kè, làm đường, sẽ không chỉ tăng khả năng thoát nước, giảm đến mức thấp nhất việc xả rác mà còn góp phần chỉnh trang đô thị.

Tương tự, tại quận 8, sau thành công của dự án cải tạo, chỉnh trang rạch Ụ Cây, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lãnh đạo và nhân dân địa phương đã đặt quyết tâm thực hiện hàng loạt dự án chỉnh trang đô thị khác như dự án di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân sống trên và ven bờ bắc - nam kênh Ðôi; nạo vét cải tạo rạch Nhảy Rạch - Ruột Ngựa,… Ước tính, để hoàn thành các dự án, quận 8 phải di dời gần 10 nghìn hộ dân sống ven và trên kênh rạch. Tại quận 3, nhằm chỉnh trang đô thị, từ nhiều năm trước, quận đã mời các đơn vị tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu lập quy hoạch phát triển đô thị và đề xuất các giải pháp thực hiện bảo đảm sự đồng thuận cao, hài hòa các lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Quận chọn khu vực dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua địa bàn quận làm trọng tâm quy hoạch, tạo đột phá trong chỉnh trang đô thị. Sau khi lập quy hoạch các khu chức năng, quận thực hiện các dự án chỉnh trang theo hình thức cuốn chiếu, toàn bộ người dân bị ảnh hưởng sẽ được tái định cư tại chỗ và ưu tiên xây dựng nhà tái định cư cho người dân trước. Cách làm này tạo được sự đồng thuận, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời chính quyền, nhà đầu tư vẫn có quỹ đất để xây dựng các công trình thương mại cũng như hình thành thêm hệ thống hạ tầng giao thông, xã hội cho khu vực.

Sáng tạo trong cách làm

Thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến hết năm 2020, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét 81,2 km sông, kênh, rạch ở 229 tuyến; vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh với chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Tuy vậy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vẫn thẳng thắn nhìn nhận, kết quả di dời nhà ven và trên kênh, rạch còn chưa được như kỳ vọng, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách, chưa kêu gọi được dự án ngoài ngân sách hoặc ODA. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20 nghìn căn nhà trên và ven kênh, rạch; nhưng đến cuối năm 2019 mới dừng lại ở 2.400 căn, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ nêu trên bị chậm. Thứ nhất, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ 23% còn 18% trong khi phải cân đối cho nhiều chương trình đột phá khác. Mặt khác, thành phố cũng không còn nhiều quỹ đất công giá trị lớn thanh toán cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn đầu tư dự án di dời nhà trên và ven kênh lớn, thời gian thực hiện dài, ít nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện. Góp ý cho chương trình di dời nhà ở, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, khó khăn nhất vẫn là đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân cần chỗ ở ổn định, bảo đảm sinh kế, con cái học hành thuận tiện, chủ đầu tư cần giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế. Giải pháp tốt nhất là thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư, khai thác quỹ đất ven kênh, rạch có thời hạn. Những dự án chưa giao đất đến mép cao của bờ kênh, cần vận động chủ đầu tư cùng với thành phố kè bờ cũng như làm đường, thảm xanh rồi cho các doanh nghiệp khai thác theo phương thức cho thuê có thời hạn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc chỉnh trang và cải tạo kênh, rạch là nguồn kinh phí thực hiện. Ðể hoàn thành mục tiêu di dời hơn 20 nghìn căn nhà, thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44 nghìn tỷ đồng. Ðơn cử, để di dời hơn 2.000 căn nhà dọc tuyến rạch Xuyên Tâm dài 8 km đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, phải mất hơn 3.750 tỷ đồng đền bù, tái định cư, nếu tính cả chi phí xây dựng, tổng vốn đầu tư dự án lên gần 9.000 tỷ đồng,... Nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời 20 nghìn căn nhà, TP Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng làm đầu mối tìm nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Ðồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ, bồi thường đặc thù cho người dân khu vực này để người dân có nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố cũng nhận định, ở vùng giải tỏa nhà, quy hoạch của thành phố về mật độ xây dựng, quản lý xây dựng và hệ số sử dụng đất chỉ có mức độ hạn chế, nhà đầu tư tính toán không có lợi nhuận sẽ không tham gia. Do đó, thành phố nên cho nhà đầu tư xây những công trình công cộng, thậm chí là nhà hàng để kinh doanh tạo cảnh quan trên bến, dưới thuyền. Khai thác đúng theo quy định, điều kiện thì thành phố sẽ có cảnh quan, nhà đầu tư sẽ có một khoản để bù đắp vào chi phí.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)