Kỳ 1: Nhớ lời Bác dặn “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý”
Cả cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 lần cầm lá phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III. Khóa nào Người cũng được nhân dân giới thiệu ứng cử ở Thủ đô Hà Nội và lần nào Người cũng có những hoạt động giúp cử tri cả nước hiểu rõ ý nghĩa của tổng tuyển cử, giá trị của lá phiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền cử tri tại phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Ảnh tư liệu
Lần đầu tiên, trên báo Cứu Quốc số ra ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về ý nghĩa tổng tuyển cử: “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới 1946, Người nhắc nhở “Phải hăng hái tham gia cuộc tuyển cử để tổ chức một Quốc hội đủ tinh thần và lực lượng thay mặt cho toàn dân”. Cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt khi cuộc kháng chiến đã bùng nổ ở Nam bộ, thù trong giặc ngoài đang hoành hành ở Bắc bộ. Ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội); nhân dân cả nước “vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do” với 89% cử tri đi bỏ phiếu.
Lần thứ 2, tại cuộc tiếp xúc giữa các ứng cử viên với đại biểu nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Lớn thành phố ngày 24/4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh “cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý”. Người nói chuyện và so sánh tổng tuyển cử ở Việt Nam với tổng tuyển cử ở các nước văn minh, rồi nhấn mạnh: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng, nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy”. Người nhắc “đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử”. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, cuộc bầu cử ngày 8/5/1960 diễn ra nhanh gọn; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 52 phố Trúc Bạch (Hà Nội); toàn miền Bắc có 97,52% cử tri đi bỏ phiếu.
Lần thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia buổi ra mắt các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội; Người phân tích việc ứng cử viên có người sẽ được bầu, có người không được bầu và nói: “tôi nghĩ rằng: Người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh, vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình. Cho nên được bầu hoặc không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, như những người đày tớ trung thành nhất của nhân dân”.
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Cuộc bầu cử ngày 26/4/1964 diễn ra trong khuôn khổ Hiến pháp mới năm 1959; với trách nhiệm “đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phòng bỏ phiếu A24 đặt tại Hội trường Bộ Nông nghiệp trên phố Ngọc Hà (Hà Nội); toàn miền Bắc có 97,77% cử tri đi bỏ phiếu.
Những cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV và khóa V vẫn trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng lời dặn của Người về ý nghĩa sâu sắc của lá phiếu bầu cử Quốc hội vẫn luôn thầm nhắc toàn dân ở hậu phương lớn miền Bắc. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV ngày 11/4/1971 có 98,88% cử tri đi bỏ phiếu; cuộc bầu cử Quốc hội khóa V ngày 6/4/1975 có 98,26% cử tri đi bỏ phiếu.
Năm 1976, lần thứ 2 cuộc Tổng tuyển cử chung trên phạm vi cả nước được tổ chức sau 30 năm đấu tranh với hai mùa kháng chiến trường kỳ vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và quyết định chặng đường mới của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI ngày 25/4/1976 vẫn trong không khí cả nước “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, đất nước hơn 49 triệu dân có 98,77% cử tri đi bỏ phiếu.
Nhân dân Sài Gòn và một số địa phương ở Nam Bộ vẫn tiến hành bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I từ ngày 23/12/1945. Ảnh tư liệu
Từ đó (1976) đến nay (2021), đất nước trải qua 9 lần bầu cử Quốc hội, nhân dân thêm 9 lần thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cử tri chọn người xứng đáng bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia. Khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thêm 3 lần sửa đổi (1980, 1992, 2013) và Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội cũng mấy lần chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh, những cuộc bầu cử Quốc hội cũng có nhiều đổi mới.
Trong khuôn khổ Hiến pháp năm 1980, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ngày 26/4/1981 có 97,96% cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII ngày 19/4/1987 khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, có 98,75% cử tri đi bỏ phiếu.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, cuộc bầu cử Quốc hội khoá IX ngày 19/7/1992 có 99,12% cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa X ngày 20/7/1997 mở đầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cả nước có 99,59% cử tri đi bỏ phiếu; và bầu cử Quốc hội khóa XI ngày 19/5/2002 cả nước có 99,73% cử tri đi bỏ phiếu. Mặc dù trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII ngày 20/5/2007, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vẫn đạt 99,64%.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII ngày 22/5/2011, lần đầu tiên, người dân đi bầu 4 cấp (đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, cấp xã, phường, thị trấn) trong cùng một ngày; cả nước có 99,51% cử tri đi bỏ phiếu. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV ngày 22/5/2016 tiếp tục có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 98,77%.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đặc biệt hơn nữa là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (năm 2021). Trong hoàn cảnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực; tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố gây bất ổn đến an ninh quốc gia; nhưng đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đồng thời đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Ngày bầu cử Quốc hội khoá XV (23/5/2021) càng đến gần khi đợt dịch SARS-CoV-2 lần thứ 4 đang bùng phát; xã hội không ai thờ ơ với “chống dịch như chống giặc”, đất nước không ai thờ ơ với cuộc bầu cử thể hiện quyền lợi thiêng liêng, trách nhiệm công dân với Tổ quốc.
Còn nhớ lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu (ngày 5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng 11 chữ “ngày mai” để quốc dân hiểu rõ về “ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Mỗi người Việt Nam từng xúc động và tự hào khi cầm trên tay lá phiếu khẳng định quyền công dân của một đất nước tự do, quyền được bình đẳng trong xã hội, từng hân hoan với lá phiếu bầu tự do trên đất nước hoàn toàn hòa bình, thống nhất; nay trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các công dân - cử tri đã ý thức được quyền thiêng liêng và nghĩa vụ, trọng trách của công dân một dân tộc độc lập, tự do, dân chủ, đã tham gia vào quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy trong ngày bầu cử - “ngày hội non sông”. Ngày ấy, mỗi lá phiếu của cử tri “tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”, hàm chứa trong đó tâm nguyện, niềm tin và sứ mệnh cao cả góp phần dựng xây đất nước.