Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Thứ năm, 13/05/2021 14:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong những năm qua, nhằm thu hút đầu tư, Bình Dương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, qua đó đã tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế.

Bình Dương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư FDI phát triển kinh tế. (Ảnh: Đình Trọng)

Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh

Tính đến tháng 3/2021, Bình Dương hiện có hơn 50.000 DN trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 473.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 dự án FDI đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36 tỷ đô la Mỹ. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có nguồn tài chính lớn và công nghệ hiện đại đầu tư vào Bình Dương.

Với phương châm “Hiệu quả của doanh nghiệp (DN) là sự thành công của tỉnh”, Bình Dương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cải cách hành chính, xây dựng, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN... Bên cạnh đó là lợi thế về hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) hiện đại, hoàn chỉnh, Bình Dương luôn là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy hoạch, phát triển các KCN trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là từ KCN đầu tiên là Sóng Thần. Đến nay toàn tỉnh có 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670 ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Bên cạnh đó, quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy KT-XH để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Chính nhờ vậy mà Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh. Qua đó, với sự ra đời các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết, hiện Bình Dương đang triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư với mục tiêu là tập trung thu hút các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, để thúc đẩy cơ hội kinh doanh và đầu tư của các DN FDI đến và gắn bó với Bình Dương, Becamex IDC đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện nhiều KCN, như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP III… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, các KCN của Bình Dương nói chung và các KCN VSIP nói riêng đã mang đến cho các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh trong một môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả. Nhiều DN Hàn Quốc đã đầu tư vào VSIP ngay từ những ngày đầu KCN này thành lập. VSIP là một trong những mô hình KCN kiểu mẫu tại Việt Nam, VSIP không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu để xây dựng nên những KCN quy mô, đồng bộ và hiện đại ngang tầm quốc tế.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại

Trong những năm qua, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung huy động và phát huy các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 392 công trình, hoàn thành đưa vào sử dụng 550 công trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 433,6km đường giao thông các cấp và 9 cầu, bảo đảm nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện..

Cùng với các công trình được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, những năm qua, Bình Dương đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm tiêu biểu từ nguồn vốn ngân sách, như: Đường ĐT744, ĐT745, ĐT747A (đoạn từ dốc Bà Nghĩa đến Cổng Xanh), đường 7A TX.Bến Cát, đường Phạm Ngọc Thạch - TP.Thủ Dầu Một, đường Mười Muộn - Tân Thành, đường và cầu Thới An, đường và cầu Thủ Biên, cầu Bạch Đằng… Những công trình này đã góp phần đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh, tạo kết nối liên vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, đồng thời tạo nên diện mạo đô thị khang trang.

Trong giai đoạn 2016-2020, dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và điều hành của UBND tỉnh, kết quả giải ngân của tỉnh đạt khá, hàng năm đạt và vượt kế hoạch do Trung ương giao. Việc đầu tư cho nhiệm vụ quy hoạch phát triển các trục giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh, giữa các trung tâm đô thị, khu dân cư; nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, chỉnh trang đô thị được quan tâm góp phần nâng cấp đô thị. Những kết quả này đã góp phần quan trọng cho tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến BRT, giao thông kết nối vùng; tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây để hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật số - băng thông rộng.

Tiếp tục xác định hạ tầng là khâu đột phá, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định tiếp đà cho mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới (2020- 2025), tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông trong tỉnh hoàn chỉnh và kết nối vùng. Áp dụng công nghệ số, khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nhân lực có tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN. Với những định hướng cơ bản này, Bình Dương quyết tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, tỉnh huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng  chí Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương đã được xây dựng đồng bộ, được đánh giá là tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước và trở thành nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Bình Dương, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn nằm trong tốp đầu của cả nước”.

Bình Dương đang sở hữu kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng, hiện đại ở nhiều loại hình. Đây là những điểm cộng của tỉnh trong việc tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng những cách làm mới, quyết liệt của tỉnh trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi đúng hướng, được cộng đồng DN, các nhà đầu tư ghi nhận. Bình Dương ngày càng khẳng định uy tín với bạn bè quốc tế, các tỉnh, thành và được Chính phủ đánh giá rất cao./.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)