Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố tập trung đầu tư nhiều dự án hạ tầng, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị được tăng cường. Nhờ đó, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Thành phố Hà Nội đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm. Ảnh: DUY LINH
Theo đại diện Sở Xây dựng, sau 5 năm triển khai Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, hiện đại hơn. Ý thức, nhận thức về nếp sống văn minh đô thị trong nhân dân được nâng cao. Sáu trong số chín chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành, trong đó có hai chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là chương trình trồng một triệu cây xanh và cấp nước sạch khu vực nông thôn. Tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch được đẩy nhanh, tỷ lệ phủ kín quy hoạch cao và công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch được siết chặt, hiệu quả.
Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được triển khai theo hướng hiện đại, văn minh. Các loại hình nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, phục vụ bố trí tái định cư được quan tâm đầu tư. Nhiều tuyến phố đã hạ ngầm dây cáp đi nổi, kết hợp chỉnh trang vỉa hè. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nền nếp.
Phó Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, Ðống Ða là một trong bốn quận lõi của thành phố, diện tích không lớn, nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông. Trên địa bàn quận có 17.000 cơ quan, doanh nghiệp, 18 bệnh viện lớn của trung ương và thành phố; 18 khu tập thể cũ và nhiều tòa chung cư cao tầng…, tác động lớn đến công tác quản lý đô thị. Trong khi đó, phần lớn các tuyến phố có mặt cắt đường nhỏ hẹp, nhiều ngõ ngách, hệ thống thoát nước xuống cấp, thường xuyên gây úng ngập mỗi khi có mưa lớn. Vì thế, quận đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện cống hóa toàn bộ bảy tuyến mương để cải thiện hệ thống thoát nước và đầu tư đồng bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, đường dạo cảnh quan, trở thành tuyến giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khắc phục ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, diện mạo đô thị khang trang hơn và tình trạng úng ngập kéo dài sau mưa lớn trên một số tuyến phố như Thái Hà, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Thúc Kháng… được cải thiện rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình cho biết, xác định phát triển hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quận luôn ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng phát triển thì người dân sẽ được hưởng lợi. Trong quá trình các chủ đầu tư thực hiện dự án, quận tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để dự án được thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ. Tùy từng dự án, từng thời kỳ, từng năm, quận có cách thức triển khai phù hợp nhằm đem lại sự chuyển biến về chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, 5 năm qua, quận Long Biên đã đầu tư xây dựng 34 dự án đường giao thông với tổng chiều dài hơn 48,5 km; đầu tư xây dựng hoàn thành 14 vườn hoa với diện tích gần 58.500 m2; trồng mới hơn 28.500 cây xanh. Các dự án ngoài ngân sách đầu tư sáu vườn hoa, hồ nước với diện tích gần 198.000 m2 và thực hiện mười dự án hạ ngầm, bó gọn hệ thống dây điện, dây cáp viễn thông..., góp phần xây dựng quận Long Biên ngày càng khang trang.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển đô thị còn không ít hạn chế. Một số chỉ tiêu của chương trình chưa cao, như tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, diện tích đất dành cho giao thông, số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và trạm xử lý nước thải còn thấp. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch chung, đô thị vệ tinh, phân khu, cải tạo chung cư cũ còn chậm. Một số dự án, công trình trọng điểm về giao thông, xử lý chất thải, môi trường triển khai chậm. Các vi phạm trật tự đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, nhất là khu vực ngoại thành, trên đất công, đất nông nghiệp diễn biến phức tạp.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025 là đổi mới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Thành phố tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông khung và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng; đầu tư xây dựng, quản lý đô thị theo hướng thông minh; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kỷ cương và trật tự văn minh đô thị.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030; đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng; phát triển các tuyến đường sắt đô thị và giải quyết các vấn đề về nước thải, nâng cao năng lực thoát nước; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý đô thị… Thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định cụ thể cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện phát triển đô thị, nhất là trong việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, cải tạo chung cư cũ. Các bộ, ngành phối hợp điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và sớm di dời trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bàn giao quỹ đất cho thành phố quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.