Cần Thơ: Giải quyết vấn đề thoát nước, nước thải sinh hoạt đô thị

Thứ năm, 08/10/2020 14:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh, vấn đề thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt đang được xem là một trong những thách thức lớn đối với các đô thị, trong đó có TP Cần Thơ. Để giải quyết bài toán này, Cần Thơ đang đẩy mạnh thu hút, kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần chống ngập cho đô thị...

Hệ thống thoát nước kém là một trong những nguyên nhân gây ngập, nghẹt khu vực trung tâm thành phố. 

Nhiều khó khăn

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hệ thống thoát nước trên địa bàn được đầu tư qua rất nhiều thời kỳ, giai đoạn và có nhiều loại cống khác nhau như: cống tròn, cống hộp, cống hở và mương tự nhiên. Chẳng hạn, đối với quận Ninh Kiều, chiều dài đường kính cống từ D200 đến D400 gần 56,5km, chiều dài đường kính cống từ D500 đến D800 khoảng 38,4km, chiều dài đường kính cống từ D1000 đến D1500 khoảng 20,6km. Ngoài ra còn có các mương xây, cống hộp bề rộng từ B300 đến B2400 với chiều dài khoảng 4,5km. Ðối với quận Bình Thủy, chiều dài đường kính cống từ D200 đến D600 khoảng 15,4km, chiều dài đường kính cống từ D600 đến D1500 khoảng 17,9km. Ngoài ra còn có các mương xây, cống hộp bề rộng từ B300 đến B1500 với chiều dài gần 5,3km... Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hồ sơ và bản vẽ liên quan đến hệ thống thoát nước để quản lý, lưu trữ hầu như rất ít và riêng lẻ, phân tán. Vì vậy, gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư, duy tu và vận hành bảo dưỡng.

Mặt khác, quá trình phát triển đô thị kéo theo mật độ xây dựng tăng lên làm cho hệ thống cống thoát nước bị quá tải so với công suất thiết kế ban đầu. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng mới chưa tính toán đầy đủ hệ thống thoát nước khi tôn đắp nền, nhiều mương, kênh thoát nước bị san lấp. Sự thiếu kết nối, đồng bộ giữa các dự án đã và đang triển khai thực hiện liên quan đến các công trình thoát nước, giao thông, xử lý nước thải, nâng cấp đô thị, khu dân cư vì các công trình này do nhiều chủ đầu tư thực hiện khác nhau. Ðiều này tạo ra sự chênh lệch cao độ đường, cao độ cống thoát nước, hướng dòng chảy không thống nhất gây ra tình trạng ngập cục bộ ở một số khu vực.

TP Cần Thơ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng bán nhật triều và địa hình chung tương đối thấp (chủ yếu thấp hơn +2.00m, cao độ Hòn Dấu) nên tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra thường xuyên, chủ yếu tập trung trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Ðặc biệt là trong trường hợp trời mưa kết hợp với triều cường làm cho nước mưa bên trong không thể thoát ra mương, rạch xung quanh. Thời gian ngập kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân trên địa bàn. Hằng năm, có khoảng 20-50 tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập do triều cường với mức độ ngập sâu từ 0,1-0,6m.

Nhu cầu đầu tư lớn

Thời gian qua, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Xây dựng trong việc tham gia vào các chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải. Ðồng thời, thành phố đã phê duyệt các đồ án quy hoạch liên quan đến thoát nước, chống ngập trên địa bàn. Năm 2016, TP Cần Thơ đã phê duyệt Ðồ án quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, đồ án quy hoạch đã phân chia thành phố làm 10 lưu vực thoát nước thải, với 11 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt được đề xuất mở rộng và xây dựng mới. Công suất nước thải sinh hoạt dự kiến được thu gom và xử lý đến năm 2020 là 135.500 m3/ngày.đêm; đến năm 2025 là 155.500 m3/ngày.đêm và đến năm 2030 là 286.500 m3/ngày.đêm.

Sau nhiều năm triển khai, dự án Thoát nước và Xử lý nước thải TP Cần Thơ thực hiện tại quận Cái Răng do Ngân hàng Tái thiết Ðức tài trợ, có tổng mức đầu tư hơn 494,2 tỉ đồng (nguồn vốn ODA hơn 281,3 tỉ đồng) chính thức đi vào hoạt đồng từ năm 2019. Dự án với mục tiêu chính là xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải. Các hạng mục chính, gồm: lắp đặt hệ thống cống thu gom nước thải ở khu vực Bắc và Nam sông Cần Thơ cùng các trạm bơm tăng áp và Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ tại Cái Sâu, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, công suất 30.000 m3/ngày.đêm. Tuy nhiên, công suất xử lý nước thải của nhà máy hiện chỉ đáp ứng được khoảng 25% tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị của toàn thành phố. Chỉ quận Ninh Kiều được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, còn lại 4 quận và 5 thị trấn thuộc huyện chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố đến năm 2025 là 9 nhà máy xử lý nước thải, tổng công suất dự kiến là 80.500 m3/ngày.đêm với kinh phí khoảng 3.763 tỉ đồng. Vì vậy, nhu cầu đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố là rất lớn, ngân sách thành phố hiện nay chưa thể đáp ứng được các dự án dự kiến đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Hiện nay, thành phố đã có quỹ đất sạch đang tìm nhà đầu tư lĩnh vực này. Vì vậy, thành phố đề xuất Bộ Xây dựng tạo điều kiện, hỗ trợ thành phố trong việc tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án có nguồn vốn tài trợ không hoàn lại; nguồn vốn tài trợ khác trong và ngoài nước liên quan đến thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải. Ðồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lĩnh vực này cho các sở, ngành và UBND quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Ðể chuẩn bị cơ sở cho quản lý hoạt động thoát nước tại địa phương, năm 2017, thành phố đã ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn. Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì và phân công, phân cấp quản lý hệ thông thoát nước cho từng quận, huyện theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Thành phố đang tiến hành xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025 theo quy định của Bộ Xây dựng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, Cần Thơ hiện có Nhà máy xử lý nước thải với công suất 30.000 m3/ngày.đêm, nhưng chưa đảm bảo nhu cầu chất lượng nước đầu ra, chỉ đạt tiêu chuẩn cột B theo quy định. Thành phố đang tiếp tục lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định; đồng thời nâng cấp, mở rộng nhà máy phục vụ thu gom, xử lý nước thải cho quận Cái Răng. Đối với các thị trấn thuộc huyện, thành phố đã có quy hoạch nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và đang kêu gọi nhà đầu tư triển khai thực hiện…

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)