Theo thống kê của cơ quan chức năng, địa bàn tỉnh Kon Tum có 202 cơ sở và một Hợp tác xã sản xuất gạch đất sét nung thủ công, tập trung toàn bộ tại thành phố Kon Tum.
Các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Thực hiện chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, tăng cường sử dụng vật liệu không nung và xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ hoạt động các lò gạch thủ công trên địa bàn.
Các đơn vị sản xuất gạch đất sét nung sử dụng 310 lò thủ công, với trên 1.000 lao động tại phường Ngô Mây và các xã Hòa Bình, Ngọk Bay, Đăk Blà, Kroong, thành phố Kon Tum. Trong đó, 206 lò nằm trong quy hoạch, 104 lò còn lại nằm ngoài quy hoạch.
Theo lộ trình đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, tỉnh sẽ dừng hoạt động 104 lò trong năm 2018, dừng tiếp 60 lò vào năm 2019 và 62 lò vào năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công sau năm 2020. Đồng thời, tỉnh sẽ không chấp thuận đầu tư dự án, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng bằng lò nung thủ công.
Đến tháng 10/2020, trên địa bàn xã Đăk Blà, Ngọk Bay và Kroong, 38 lò gạch thủ công đã ngừng hoạt động. Trong khi đó, các lò trên địa bàn phường Ngô Mây và xã Hòa Bình cũng đã cam kết sẽ ngừng hoạt động đến khi hết nguồn nguyên liệu đất sét hiện có.
Để kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển gạch không nung, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đất sét trên địa bàn; kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi khai thác đất sét trái phép và hành vi gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch thủ công.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng được mức hỗ trợ dự kiến đối với việc tháo dỡ các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công. Đồng thời, chủ cơ sở và người lao động tại các lò gạch thủ công được tuyên truyền, vận động đăng ký đào tạo chuyển đổi ngành nghề. Đến nay, các chủ lò và người lao động đã có gần 50 bản đăng ký chuyển đổi ngành nghề sang ngành nghề chăn nuôi và điện dân dụng.
Các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần được xóa bỏ.
Theo bà Cao Thị Trinh, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, việc giảm dần tiến tới chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở sản xuất gạch hầu hết đã quen với phương pháp sản xuất nung bằng lò thủ công truyền thống, trong khi chi phí chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch không nung khá lớn, gây khó khăn cho chủ cơ sở.
Mặt khác, cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư sản xuất, kinh doanh vật liệu không nung chưa được ban hành. Khu quy hoạch sản xuất gạch ngói chưa được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng gây khó khăn trong bố trí, sắp xếp chuyển đổi ngành nghề.
Theo bà Cao Thị Trinh, tỉnh Kon Tum cần có chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạch không nung phù hợp. Cùng với đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn để chuyển đổi công nghệ, hỗ trợ tháo dỡ cơ sở cũ, hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất.