Thành phố Tuyên Quang hướng tới trở thành đô thị loại một

Thứ hai, 03/08/2020 14:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết thống nhất, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 19 (2015 - 2020).

Thành phố Tuyên Quang được chỉnh trang, quy hoạch hiện đại.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang cho biết, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, bám sát phương châm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội, đồng thời vận dụng đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện thực tế của thành phố, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Đến hết năm 2019, có 15 trong số 17 nhóm chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt Nghị quyết; xây dựng, phát triển TP Tuyên Quang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II. Trong đó, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm ngành nông, lâm nghiệp; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12,5% (Nghị quyết đề ra hơn 10%). Cơ cấu giá trị sản xuất: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51%; các ngành dịch vụ còn lại chiếm 46,1% (Nghị quyết đề ra hơn 39%); ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 2,9% (Nghị quyết đề ra dưới 3%). Thu nhập bình quân đạt 80,5 triệu đồng/người/năm (Nghị quyết đề ra hơn 64 triệu đồng/người/năm)...

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đã xác định tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, môi trường. Từ đó, ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển TP Tuyên Quang trở thành đô thị loại II; lập và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trên địa bàn. Hoàn thành xây dựng, triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các phường... Hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thành phố. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 72,7%, là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa cao của khu vực miền núi phía bắc.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng hơn 12%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu, điểm dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị bán lẻ nhà hàng, khách sạn, các khu dịch vụ du lịch. Nhiều công trình đã hoàn thành: Trung tâm thương mại Vincomshophouse, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Royal Palace; khu dịch vụ đền Thượng, xã Tràng Đà, đền Cảnh Xanh và một số hạng mục phụ trợ tại các đền, chùa; di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ Than...

Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái, du lịch tâm linh. Triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết gắn với trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Kết nối các điểm, khu du lịch trên địa bàn thành phố với các huyện trong tỉnh, bước đầu hình thành tuyến du lịch đường bộ nội thành, tua du lịch gắn với hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa tâm linh. Đặc biệt là Đêm hội Thành Tuyên, đã được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam là lễ hội có nhiều mô hình lớn nhất, diễn ra vào dịp Trung thu, có sức thu hút đông đảo người dân và du khách, tạo nên thương hiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của thành phố, của tỉnh và hướng tới là sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu cấp quốc gia. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc tích cực, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân theo phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Đã huy động được hơn 364 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 84 tỷ đồng để kiên cố hóa 35,968 km kênh mương; đổ bê-tông 7,356 km đường giao thông nội đồng; xây dựng 45 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã đã xây dựng và triển khai 38 đề án, dự án phát triển sản xuất, dịch vụ hàng hóa. Đến năm 2018, tất cả năm xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí về thu nhập, giao thông và trường học, môi trường... để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đồng thời, thành phố cũng khuyến khích, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng về nguyên liệu và có tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp như: Sản xuất thép, hàng may xuất khẩu, xi-măng, chè chế biến. Chủ động phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp Long Bình An huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch, bảo đảm môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án lớn, trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, dạy nghề, học nghề thủ công nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết mở rộng ngành nghề, thị trường, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường.

Thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo môi trường thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có kênh thông tin về định hướng và các kế hoạch, quy hoạch của thành phố; thiết lập địa chỉ thư điện tử và các diễn đàn trên các website, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công... để tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh và phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Đồng bộ, quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo; đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục bảo đảm khách quan, trung thực; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, khả năng thích ứng với môi trường sống cho học sinh. Giai đoạn 2015 - 2020, có 47 trong số 64 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 73,4%. Phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia hơn 75%. Tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục và đào tạo.

Các chính sách an sinh xã hội, chế độ trợ cấp cho đối tượng chính sách bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước, sức mạnh của toàn xã hội giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo nâng cao mức thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 0,66% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Từ năm 2015 đến nay, đã thực hiện việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở đối với 315 gia đình người có công với tổng số tiền là 7,8 tỷ đồng. Thành phố cũng đã mở 20 lớp dạy nghề cho 2.098 lao động nông thôn; tổ chức ba phiên giao dịch việc làm, với 72 đơn vị doanh nghiệp, 2.800 lao động tham gia. Từ đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80,1%, tăng 4,75% so với năm 2015.

Thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp cơ cấu tổ chức, cán bộ, công chức đối với các xã sáp nhập về thành phố. Tiếp tục chỉ đạo tinh giản biên chế, rà soát, kiện toàn, bố trí sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân và doanh nghiệp; củng cố, kiện toàn hoạt động của Bộ phận giao dịch “Một cửa” tại UBND thành phố và các xã, phường; xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết 183 trong số 365 thủ tục hành chính trên 19 lĩnh vực về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, tư pháp, tài chính kế hoạch... Công khai 15 số điện thoại đường dây nóng của Thành ủy, UBND thành phố và các xã, phường để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh.

Hằng năm, tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề và xây dựng kế hoạch thực hiện; lựa chọn nội dung đột phá sát thực với tình hình thực tế của Đảng bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền và biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm tốt, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị. Đồng thời gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy các cấp; đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm; xác định trúng, đúng và giải quyết có hiệu quả những việc cấp bách, nổi cộm được nhân dân quan tâm; chỉ đạo đưa các nội dung Nghị quyết và Chỉ thị vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đảng gắn với thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Triển khai thực hiện sáp nhập các cơ quan, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, các điểm trường và đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố bảo đảm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu quả, giúp tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, tiết kiệm nguồn lực, giảm thủ tục hành chính; bố trí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có tính đến năm 2030, Đảng bộ thành phố tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hành trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa, con người, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; tập trung phát triển dịch vụ, thương mại, phát triển mạnh du lịch. Thu hút, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng TP Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, nâng cao các tiêu chí đô thị loại II và từng bước đồng bộ, hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 5 năm 12,6%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 5 năm 11,3%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5 năm 2,2%. Thu nhập bình quân đạt 131 triệu đồng/người/năm. Tất cả năm xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là hai trong số năm xã. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt hơn 74%. Thu hút 1 triệu lượt khách du lịch. Hằng năm, giảm 20% số hộ nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%, trong đó qua đào tạo nghề 55%. Giải quyết việc làm cho 17.200 lao động.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)