Hàng nghìn năm nay, những viên gạch đất sét vẫn được sử dụng trong xây dựng trên khắp thế giới không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những viên gạch này đi kèm với vấn đề môi trường nghiêm trọng. Và các nhà khoa học Scotland mới đây đã tìm ra giải pháp thay thế.
Gạch K-Briq nhiều màu sắc. Ảnh: CNN
Giáo sư Gabriela Medero tại Đại học Heriot-Watt đã nhận ra vấn đề về gạch truyền thống gây ra khí thải carbon ảnh hưởng tới môi trường, vì vậy cô quyết tâm tìm giải pháp.
Năm 2009, cô cùng kỹ sư Sam Chapman thành lập công ty Kenoteq. Sản phẩm đặc thù của Kenoteq là gạch K-Briq. Loại gạch này có thành phần là 90% rác thải xây dựng. K-Briq không cần phải nung trong lò do vậy số carbon thải ra chỉ tương đương chưa đầy 1/10 so với gạch thông thường.
Rác thải xây dựng bao gồm gạch, cát, vữa và sỏi sẽ bị nghiền, sau đó trộn với nước và chất dính để tạo ra gạch K-Briq. Gạch K-Briq còn được bổ sung chất màu có thể tái chế nên rất đa dạng về màu sắc.
Giáo sư Medero (phải) bên gạch K-Briq. Ảnh: CNN
Gạch truyền thống có thành phần chính là đất sét – vốn là loại đất hàng đầu giúp cây cối tăng trưởng. Đất sét được đúc thành khuôn và nung trong lò ở nhiệt độ lên tới 1.250 độ C để ra thành phẩm là gạch. Việc khai thác đất sét và nung gạch đều gây ra ảnh hưởng tới môi trường. Kênh CNN (Mỹ) cho biết mỗi năm trên toàn cầu có 1.500 tỷ viên gạch ra lò.
Có một đề xuất là tái chế gạch xây dựng. Nhưng nhà nghiên cứu Bob Geldermans tại Đại học công nghệ Delft (Hà Lan) cho biết tái chế gạch là quá trình tốn kém và cần nhân lực cao. Chúng phải được “lọc vữa” nhờ búa và đục. Gạch tái chế thường được sử dụng khi khôi phục các công trình cổ nhưng trong xây dựng đại trà, việc tận dụng lại gạch tái chế là khá đắt đỏ. Ngoài ra, việc kiểm tra độ an toàn, bền vững của gạch tái chế cũng khá khó khăn.
Giáo sư Medero cho biết K-Briq có giá thành tương đương gạch thông thường. Ngoài ra, cô cho biết K-Briq bền và cách nhiệt tốt hơn. Kenoteq đã mở một cơ sở sản xuất tại Edinburgh, mỗi năm cho ra lò 3 triệu viên K-Briq.