Theo các chuyên gia, ứng dụng đồng bộ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà sẽ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... Song, để khai thác tốt tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, các đơn vị kinh doanh cần trợ lực về vốn, công nghệ... từ các ngành chức năng.
Ứng dụng hệ thống chiếu sáng công nghệ mới để tiết kiệm điện năng cho văn phòng, tòa nhà,...
được nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ ứng dụng.
Ước tính tổng tiêu thụ năng lượng, vận hành ở các công trình tòa nhà: khách sạn, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… tại các đô thị lớn chiếm tỷ trọng từ 30% và sẽ còn tăng cao hơn nữa. Do đó, việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm, bằng cách đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng vật liệu cách nhiệt làm mát, phù hợp tiêu chuẩn, kết hợp ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo được xem là những giải pháp hữu hiệu, vừa tiết giảm mức tiêu thụ năng lượng, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, góp phần đáp ứng tiêu chí sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Hoàng Vũ, Trưởng bộ phận quản lý điện của Khách sạn Victoria Cần Thơ, cho biết: Để tiết giảm chi phí tiêu thụ điện năng cho tòa nhà của khách sạn, ngoài áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bảo dưỡng thiết bị điện, khách sạn còn sử dụng các vật liệu làm mát không gian sống tại các khu vực có nhiều nắng. Bên cạnh đó, xác định phòng giặt ủi là nơi tiêu thụ điện cao, chiếm hơn 30% tổng tiêu thụ điện của toàn khách sạn, nên bộ phận quản lý điện đã sáng tạo, tận dụng nguồn nhiệt của máy sấy phát ra để đun nước nóng và chuyển qua cho hệ thống máy giặt… Nhờ linh hoạt kết hợp nhiều giải pháp, nên bình quân mỗi tháng Victoria Cần Thơ đã tiết giảm gần 30% điện năng tiêu thụ.
Theo ông Phạm Hoàng Vũ, hiện Victoria Cần Thơ cũng đang xây dựng kế hoạch, sử dụng điện mặt trời vào hoạt động của khách sạn, nhằm khai thác tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại đơn vị.
Ông Nguyễn Trung Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông- Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Một trong những giải pháp, giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, đó là đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng với các bộ đèn led thế hệ mới, có tích hợp công nghệ cảm biến, kết nối với thiết bị di động thông minh, giúp người dùng dễ dàng tắt, mở hay điều chỉnh mức độ ánh sáng phù hợp với nhu cầu sử dụng đối với từng khu vực sảnh, lối đi, phòng làm việc... trong tòa nhà. Không chỉ vậy, ưu điểm của đèn led thế hệ mới là tiêu thụ năng lượng thấp hơn 60% so với các loại đèn thông thường, giảm lượng khí phát thải, thân thiện với môi trường,... Hiện TP Cần Thơ, có nhiều tòa nhà ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh: tòa nhà Trung tâm học liệu, Trường Đại học Cần Thơ, tòa nhà của Sở Y Tế TP Cần Thơ… vừa góp phần tăng chất lượng chiếu sáng, vừa giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng xanh, sạch và bền vững trên địa bàn thành phố.
Theo các chuyên gia về năng lượng, nếu các công trình tòa nhà được đầu tư hệ thống chiếu sáng công nghệ led, hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống làm lạnh trung tâm… tương thích và phù hợp với nhu cầu sử dụng sẽ tiết giảm hơn 30% chi phí vận hành. Song, chi phí đầu tư các công nghệ mới trong các tòa nhà là khá cao, khiến nhiều doanh nghiệp khó ứng dụng, do hạn chế về nguồn tài chính. Để các đơn vị, doanh nghiệp vượt qua các rào cản này, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các tòa nhà, hiện nhiều đơn vị, công ty chuyên thực hiện các dịch vụ năng lượng và hợp đồng về tiết kiệm năng lượng triển khai các hình thức đầu tư tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà. Một là, hợp đồng bảo đảm tiết kiệm, cam kết với chủ đầu tư tòa nhà về tỷ lệ năng lượng tiết kiệm nhất định. Hai là, bỏ vốn đầu tư, từ khảo sát, tư vấn thiết kế tòa nhà, sử dụng vật liệu đến mua sắm, lắp đặt thiết bị, vận hành dự án. Cùng với đó, Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch... Điều này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư công nghệ mới, để khai thác tối ưu tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.