HUD tập trung vào phát triển nhà ở xã hội

Thứ năm, 02/05/2013 16:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“HUD cần tập trung vào phát triển nhà ở xã hội, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài việc kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp Nhà nước còn là công cụ kinh tế của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Làm nhà ở xã hội không yêu cầu lãi nhiều, nhưng doanh nghiệp Nhà nước phải làm, thực hiện nghĩa vụ xã hội, mang ý nghĩa nhân văn, làm nhà cho người nghèo. HUD cần thực hiện những dự án lớn, quy mô nhiều căn hộ…”

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đối với Tổng công ty HUD về những nhiệm vụ trong năm 2013 cũng như giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh Lễ ký thỏa thuận 3.000 tỉ cho nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015 giữa BIDV và HUD.

Mục tiêu 15.000 căn nhà ở xã hội

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng và nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, HUD đã chủ động xây dựng chương trình phát triển nhà ở gồm 2 giai đoạn với hơn 80 dự án trên địa bàn cả nước và trên 4 triệu m2 sàn nhà ở. Cụ thể:

Giai đoạn 1 (2011 - 2015), HUD sẽ đầu tư xây dựng 1,66 triệu m2 sàn với số vốn khoảng 20 ngàn tỉ đồng. Trong đó, diện tích nhà ở xã hội sẽ chiếm 10%, tương đương 3.000 căn hộ (khoảng 165 ngàn m2).

Giai đoạn 2 (2016 - 2020), HUD tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 2,4 triệu m2 sàn, với tổng vốn khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, diện tích sàn nhà ở xã hội khoảng 600 nghìn m2 (chiếm 25%), tương đương xấp xỉ 12 nghìn căn hộ.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, HUD đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, nhu cầu sử dụng vốn cụ thể cho từng dự án phát triển nhà ở xã hội. HUD cũng đã làm việc với ngân hàng BIDV và một số ngân hàng khác nhằm vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội với tổng vốn lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV là đầu mối quan trọng thu xếp vốn, tài trợ vốn tín dụng cho HUD với tổng giá trị lên tới 10.200 tỉ đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án của HUD trong và ngoài nước, trên cơ sở tính hiệu quả, khả thi của các dự án, theo đúng quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Đặc biệt, theo thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và HUD trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV tham gia tài trợ vốn cho HUD triển khai Chương trình phát triển nhà ở xã hội với gói tín dụng tổng thể dự kiến khoảng 3.000 tỉ.

Ngoài ra, HUD cũng chủ động xây dựng các biện pháp giảm thiểu giá thành nhà ở thông qua việc nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng nhà ở, hợp tác với các đơn vị khác... HUD đã ký thoả thuận hợp tác với Tổng công ty Vigracera về việc cung cấp các bộ sản phẩm vật liệu xây dựng để thực hiện chương trình phát triển NƠXH.

Chia sẻ với PV, ông Nghiêm Văn Bang – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty HUD khẳng định: Trong chương trình hành động ngắn hạn và dài hạn về phát triển nhà ở xã hội, HUD sẽ sử dụng bộ sản phẩm của Vigracera từ kính xây dựng, gạch ốt lát, gạch nung, gạch không nung, đến sứ vệ sinh và một số sản phẩm vật liệu xây dựng khác phù hợp nhu cầu, thị hiếu, với chất lượng và giá thành canh tranh…

Tiên phong xóa điểm “nóng”

Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của HUD trong năm 2013.

Khẳng định phát triển nhà ở xã hội nằm trong chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài của HUD, ông Nghiêm Văn Bang cũng cho biết: Hiện nay Tổng công ty đang triển khai đầu tư và nghiên cứu đầu tư dự án nhà ở xã hội tại một số địa bàn trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hoá, Bình Dương, Khánh Hòa, Bắc Ninh... Tuy nhiên theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tổng công ty sẽ ưu tiên phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đang bức xúc về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương...

Đối với TP Hà Nội, Tổng công ty đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội trong quý II năm 2013. Đó là các dự án Tây Nam Linh Đàm, quy mô 1,7ha đất, cho hơn 800 căn hộ, với 53 nghìn m2 sàn và dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh II, quy mô 5,23 ha đất, cho khoảng 2.200 căn hộ, tương đương 137 nghìn m2 sàn.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đang báo cáo quy hoạch xây dựng Khu đô thị Nam Linh Đàm với quy mô lớn khoảng 10ha để đầu tư khoảng 5.500 căn nhà ở xã hội tương đương 350 nghìn m2 sàn và phối hợp với chính quyền quận Long Biên báo cáo UBND TP Hà Nội xin phép đầu tư khoảng 10ha nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang đề xuất với UBND TP chuyển đổi 2 khu nhà cao tầng thương mại thành nhà ở xã hội với quy mô 4,15ha, hơn 200 nghìn m2 sàn, tương đương khoảng 3.300 căn nhà ở xã hội tại dự án Nam An Khánh mở rộng khu 3.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty đang nghiên cứu chuyển đổi một số nhà cao tầng thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 3ha đất, cho diện tích 93 nghìn m2 sàn, trương đương khoảng 1.300 căn nhà ở xã hội tại dự án tại Khu đô thị mới Đông Thăng Long.

Theo ông Nghiêm Văn Bang, Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư trong việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy các ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn có một số bất cập. Để tạo động lực cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện các dự án nhà ở xã hội, Nhà nước cần cụ thể hoá các ưu đãi đã ban hành như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN... cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.

Nhà nước cho phép chủ đầu tư các dự án Khu đô thị mới được sử dụng một phần tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Đối với những công trình nhà ở thương mại được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi thành nhà ở xã hội, cần tạo điều thực hiện đơn giản thủ tục hành chính như quy hoạch điều chỉnh, giấy phép xây dựng điều chỉnh, đồng thời cùng với việc hoàn trả tiền sử dụng đất cần có chính sách hoàn trả cho chủ đầu tư các chi phí đền bù GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ông Bang cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại cần quy định dành một tỉ lệ % nguồn vốn cho vay ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đối với các địa phương có điều kiện về tài chính, cần khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án nhà ở xã hội.

Tại các địa phương không phải là đô thị lớn, Nhà nước cho phép xây dựng nhà ở xã hội bằng nhà thấp tầng (nhà liền kề, nhà vườn) để giảm kinh phí đầu tư. Đặc biệt Nhà nước nên có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho từng đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm tạo đầu ra cho dự án, đảm bảo cân đối cung cầu...

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty HUD Nghiêm Văn Bang khẳng định: HUD luôn xác định mục tiêu tham gia phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội đặc biệt quan trọng của Tổng công ty, khẳng định vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước góp phần đảm bảo an sinh xã hội. HUD luôn ưu tiên đặc biệt nguồn lực để triển khai đầu tư, thi công các dự án này.


Theo Petrotimes

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)