Ấy là bởi được chủ trì rất nhiều đồ án QH vùng lãnh thổ lớn, đồ án QH KKT trọng điểm quốc gia và là tác giả đồ án QH của hơn 70% các đô thị, tỉnh lỵ từ loại 3 trở lên trong cả nước…
Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 năm của VIAP, được đánh dấu bằng mốc son thành lập Phòng Đô thị thuộc Nha Kiến trúc - đơn vị tiền thân của VIAP vào năm 1956, có thể thấy sự trưởng thành của đơn vị luôn gắn với sự phát triển của đất nước.
Trong những năm 1956 - 1964. Công tác lập đồ án QH đô thị bước đầu được hình thành. Với sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô (cũ), Trung Quốc và Ba Lan, các đồ án QH Thủ đô Hà Nội, TP công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì và TP Hải Phòng lần lượt thực hiện. Trong thời gian này, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là nghiên cứu lý thuyết tiểu khu nhà ở Kim Liên (Hà Nội); nghiên cứu thiết kế ban đầu cho ý tưởng tổ chức lãnh thổ, các đô thị; nghiên cứu ý tưởng xây dựng các công trình Nhà Quốc hội, nhà sàn Bác Hồ, các mẫu nhà tập thể, nhà chung cư với các căn hộ điển hình…
Trong giai đoạn 1965 - 1975, cũng với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, đơn vị đã tham gia nghiên cứu phát triển Thủ đô Hà Nội lên phía bắc sông Hồng, thiết kế Lăng Bác, QH quảng trường Ba Đình và QH xây dựng các TP Hải Phòng, Vinh, Nam Định, Hòn Gai - Bãi Cháy, các thị xã Phủ Lý, Thái Bình, Bắc Giang… QH nông thôn cũng được mở rộng từ thời kỳ này.
Công tác nghiên cứu điển hình hóa xây dựng cũng bước đầu được triển khai với việc thi tuyển, chọn được nhiều mẫu nhà ở tốt. Thiết kế điển hình nổi tiếng của thời kỳ này là các mẫu căn hộ ở các khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Công tác nghiên cứu biên soạn tiêu chuẩn thì có bước tiến rõ rệt, từ những văn bản đầu tiên, đơn lẻ, đáp ứng cho từng yêu cầu cụ thể đã hình thành cơ cấu của các bộ tiêu chuẩn…
Trong giai đoạn 1976 - 1985, đất nước thống nhất, lần đầu tiên đơn vị nghiên cứu những định hướng đô thị hóa mang tính chiến lược cho cả nước trong thời bình. Quy mô và cấu trúc của các bộ tiêu chuẩn xây dựng đã bao hàm hầu hết các lĩnh vực trong ngành Xây dựng.
Thời kỳ đổi mới 1986 - 1995, đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống, đơn vị đã chủ động đổi mới nội dung và phương pháp QH theo hướng khai thác có hiệu quả quỹ đất, không gian cảnh quan kiến trúc, kết cấu hạ tầng và môi trường đô thị. Đơn vị đã thực hiện QH chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực Hồ Gươm (Hà Nội), QH định hướng phát triển các KCN tập trung toàn quốc và 3 địa bàn kinh tế trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh công tác QH xã, tham gia nhiều chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, cấp ngành về đô thị hóa, chiến lược phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn… Một mặt, đơn vị tham gia giảng dạy ở các trường đại học trong nước, mặt khác mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, trường đại học lớn trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, đơn vị hoàn thiện và trình Bộ Xây dựng ban hành bộ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam và khoảng 300 kiểu tập thiết kế điển hình.
10 năm tiếp theo (từ 1996 - 2007), đơn vị giúp các địa phương nghiên cứu điều chỉnh QH đô thị và bước đầu tiến hành nghiên cứu sâu rộng các QH vùng lãnh thổ quan trọng như Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng TP.HCM, Trung bộ, vùng biên giới phía Bắc, vùng ĐBSCL… và tiến hành thí điểm một số thiết kế đô thị, thực hiện QH các vùng sinh thái, vùng đặc thù…
Bên cạnh đó, đơn vị trực tiếp tham gia lập QH tổng thể và QH phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho nhiều xã trên địa bàn cả nước; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và tăng cường công tác phê bình lý luận, tuyên truyền trong lĩnh vực kiến trúc, QH thông qua 2 tạp chí chuyên ngành là Kiến trúc Việt Nam và QH Đô thị; tham gia soạn thảo các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Xây dựng và các nghị định về QH xây dựng, phân loại đô thị…
Cũng trong thời kỳ này, với sự tham gia nghiên cứu, tổ chức biên soạn nhiều tiêu chuẩn của đơn vị, lần đầu tiên Bộ Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam được ban hành, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc, QH. Tương tự như vậy gần 600 tập thiết kế điển hình được ban hành trong thời kỳ này đã góp phần rút ngắn thời gian lập dự án và nâng cao chất lượng thiết kế của các công trình trong cả nước…
Từ năm 2008 đến nay, theo yêu cầu của Bộ, đơn vị tham gia nhiều hơn trong công tác biên soạn các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, các văn bản phục vụ quản lý nhà nước, các quy chuẩn, tiêu chuẩn… góp phần quan trọng trong việc đổi mới quy trình, thủ tục và quản lý kiến trúc, QH xây dựng ở Việt Nam. VIAP đã chủ trì khoảng 300 đồ án QH các loại. Đặc biệt, với vai trò là đầu mối chính của Việt Nam, VIAP phối hợp với Liên danh tư vấn quốc tế PPJ nghiên cứu lập đồ án QH chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2011. Vậy là trong suốt quá trình phát triển của mình, VIAP bao giờ cũng trực tiếp tham gia vào đồ án quan trọng hàng đầu đất nước là QH Thủ đô.
Cũng trong thời gian này, VIAP còn chủ trì hàng loạt các nhiệm vụ mang tính thời sự như nghiên cứu đề án mô hình QH nông thôn mới; triển khai chương trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực kiến trúc, QH; triển khai các dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; đề án Định hướng QH các trường cao đẳng, đại học vùng Hà Nội và vùng TP.HCM, hệ thống các KCN và y tế tại Thủ đô…
Công tác thiết kế kiến trúc, đào tạo và hợp tác quốc tế ngày càng được VIAP chú trọng, nâng lên tầm cao mới.
Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, VIAP luôn khẳng định vị thế Viện Nghiên cứu đầu ngành của quốc gia về kiến trúc, QH. Những sản phẩm của VIAP đóng góp không nhỏ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, VIAP định hướng vận hành theo mô hình đơn vị nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển chuyên sâu…
Ghi nhận những đóng góp của VIAP, vào dịp kỷ niệm truyền thống 55 năm, VIAP vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng tin tưởng, gửi gắm kỳ vọng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của VIAP là thực hiện những đồ án QH phục vụ nhiệm vụ chính trị do Chính phủ và Bộ giao cũng như nghiên cứu để tiếp tục điều chỉnh và xây dựng mới nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn... Trong thời kỳ CNH, HĐH, VIAP nghiên cứu kiến trúc làm sao vừa giữ được bản sắc kiến trúc Việt Nam, vừa phải tiếp thu những giá trị khoa học tiên tiến của thời đại, để đô thị Việt Nam phát triển ngày càng bền vững hơn và phù hợp với các điều kiện mới như ứng phó với thảm họa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và có những đô thị xanh...
Một nhiệm vụ nữa là VIAP phải tập trung làm tốt công tác dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tư vấn quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị, lập các dự án thiết kế, trong đó cần quan tâm nâng cao chất lượng những công trình kiến trúc để tạo nên một diện mạo mới cho các đô thị. Muốn làm được như vậy, VIAP cần tập trung nâng cao năng lực mà trước hết là phải nâng cao chất lượng của đội ngũ CBVC, đồng thời đổi mới phương pháp quản lý cũng như xây dựng cơ chế vận hành phù hợp để hoạt động của Viện có hiệu quả. VIAP cần đầu tư thêm nhiều hơn nữa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình thiết kế, tư vấn. “Làm được như vậy, Viện chắc chắn sẽ đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ được Bộ và Chính phủ giao trong thời gian tới”, Bộ trưởng tin tưởng nói.
Theo Báo Xây dựng điện tử