Giải thưởng Loa Thành 2011: Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt 2 giải Nhất

Thứ sáu, 09/12/2011 08:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Hội đồng Giải thưởng (HĐGT) Loa Thành, năm 2011 có 4 giải Nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba và 29 giải Khuyến khích. Riêng chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch có 2 giải Nhất, đều thuộc về đồ án của sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội là “Ga Metro và trung tâm thương mại Cát Linh - Hà Nội”, tác giả Nguyễn Như Đức và “Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh học đa dạng Cần Giờ”, tác giả Đặng Ngọc Tú. Lễ trao Giải thưởng Loa Thành năm 2011 dự kiến được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vào ngày 10/12 tới.

Đồ án “Ga Metro và trung tâm thương mại Cát Linh - Hà Nội”.

Nhận định về 2 đồ án đoạt giải Nhất, Chủ tịch HĐGT Loa Thành chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch Ngô Doãn Đức cho biết: Ở đồ án “Ga Metro và trung tâm thương mại Cát Linh - Hà Nội”, sinh viên đã chọn đề tài xuất phát từ một dự án về giao thông đô thị trong thực tế có rất nhiều khó khăn và đã dũng cảm đối đầu với những thách thức từ những việc quy hoạch về giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cũng như công nghệ... đến việc xây dựng một hình ảnh kiến trúc hấp dẫn.

Đồ án có đề xuất tốt về ý tưởng kiến trúc, mang đến hình ảnh một ốc đảo xanh tươi trong lòng khu phố khá đông đúc, giải quyết tốt việc kết nối các công trình đã có để hoàn thiện các mối quan hệ về kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Trong thiết kế tổng mặt bằng, sinh viên đã khéo léo đưa vào đây hệ thống công trình thấp tầng có hình thức kiến trúc phù hợp với nút ngã 5 đặc thù, thảm cây xanh trên mái, hệ thống trung tâm thương mại ngầm liên hoàn kết nối 2 nhà ga metro tạo nên sự thuận lợi trong sử dụng.

Đồ án đạt các tiêu chí về sáng tạo kiến trúc, quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật, công nghệ mới và đặc biệt là mang tính xã hội cao, thể hiện tốt.

Tương tự như vậy, với đồ án “Trung tâm nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học Cần Giờ”, sinh viên cũng đã chọn đề tài thiết thực. Đồ án được nghiên cứu, phát triển từ ý tưởng hình ảnh "Con người đi sâu vào hệ rễ cây đước" - loại cây điển hình, tạo lập hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ để khám phá, nghiên cứu, bảo tồn và khai thác.

Ông Ngô Doãn Đức nhận định: Đồ án đã thể hiện tốt khâu xây dựng ý tưởng thiết kế một cách tổng hợp với nhiều khía cạnh như công năng sử dụng, hình khối kiến trúc công trình, giải pháp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả... Sinh viên đã đưa ra được một giải pháp tổ chức không gian khoa học, phù hợp yêu cầu sử dụng của trung tâm từ nghiên cứu, bảo tồn, trưng bày, quản lý đến thăm quan, dịch vụ giải trí, phục vụ du lịch bằng nhiều hình thức phong phú sáng tạo. Ngoài ra, đồ án được diễn họa tốt, công phu.
 

Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)