Những năm qua, xác định nghiên cứu khoa học và phục vụ công tác quản lý nhà nước có vai trò quan trọng của chiến lược phát triển của Viện, vì vậy các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý và các doanh nghiệp được Viện đặc biệt quan tâm và triển khai quyết liệt. Năm 2012, Viện thực hiện 40 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, năm 2013 thực hiện 59 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, trong đó có 46 nhiệm vụ thuộc vốn ngân sách Nhà nước kinh phí 8 tỷ đồng, 9 nhiệm vụ thuộc vốn của DN, các địa phương và tập đoàn nghiên cứu của nước ngoài với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng và 4 nhiệm vụ thuộc cấp Viện với kinh phí 0,7 tỷ đồng. Kết quả chất lượng các nhiệm vụ KHCN được Hội đồng KHKT đánh giá cao. Viện thực hiện các công tác phục vụ quản lý nhà nước khác như: Xây dựng Quy hoạch sắp xếp và định hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng và đá ốp lát ở Việt Nam. Xây dựng Quy hoạch phát triển vôi công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Năm 2013, Viện đã thực hiện các dự án quy hoạch phát triển VLXD cho các tỉnh Ninh Thuận, Điện Biên, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hưng Yên, Bến Tre.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Viện liên kết giữa kết quả hoạt động nghiên cứu KHCN với thực tế sản xuất trong ngành VLXD. Đây là mảng hoạt động có ý nghĩa quan trọng, mang lại nguồn thu cho Viện. Các hoạt động dịch vụ đó gồm: Tư vấn, chuyển giao công nghệ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; tái chế phế thải ni lông trong rác thải sinh hoạt và cao su phế liệu thành dầu FO, tái chế phế thải công nghiệp và xây dựng làm VLXD; phân tích kiểm định sản phẩm VLXD, chứng nhận sản phẩm VLXD phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận hợp quy các sản phẩm VLXD; tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế các nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp, vật liệu không nung, vôi công nghiệp, thẩm tra thiết kế và giám sát thi công các nhà máy sản xuất xi măng; tư vấn lập phòng thí nghiệm chuyên ngành XD và đào tạo thí nghiệm viên; đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành các nhà máy sản xuất VLXD... Sản xuất và cung cấp sản phẩm VLXD đặc biệt các loại xi măng giếng khoan cho dầu khí, xi măng bền sun phát cho các môi trường xâm thực, xi măng ít toả nhiệt cho công trình bê tông khối lớn; các loại vữa không co, vữa chịu hoá chất, vữa cho gạch bê tông nhẹ, vữa ốp lát gạch ceramic… các loại phụ gia bê tông, phụ gia tạo bọt để sản xuất bê tông nhẹ, phụ gia chống thấm; các loại bê tông chịu lửa, vữa chịu lửa, vữa chống cháy; các loại men màu cho sản xuất gạch ceramic. Loại hình này chiếm tỷ lệ doanh thu cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện. Thi công xử lý và phục hồi chất lượng công trình: Viện đã lập thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công, áp dụng công nghệ và vật liệu mới, vật liệu đặc biệt để thi công xử lý và phục hồi chất lượng các công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi và thủy điện, cụ thể như chống thấm cho các công trình thuỷ điện, công nghiệp và dân dụng, chống dính cho các si lô chứa xi măng, chống thấm và chống rêu mốc cho các công trình mỹ thuật…
Tiêu biểu là các đề tài: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất dầu đốt từ các nguồn phế thải nhựa góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Kết quả đề tài đã tận dụng nguồn phế thải nhựa, nilon từ rác thải làm dầu đốt có chất lượng tốt. Nghiên cứu chế tạo dầu khoáng hoạt tính chống dính khuôn nhằm tăng khả năng liên kết trong gạch bê tông khí chưng áp. Nghiên cứu, chế tạo vật liệu chống thấm hai thành phần gốc xi măng-polyme cho các công trình xây dựng. Nghiên cứu và ứng dụng vữa cách nhiệt chống cháy dùng cho các công trình xây dựng và công nghiệp. Nghiên cứu sử dụng cát mịn Đồng bằng sông Cửu Long làm bê tông và vữa xây dựng.
Bằng những cố gắng nỗ lực và kết quả đạt được, qua 44 năm thành lập và phát triển, Viện vinh dự được Đảng Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba. Giải thưởng VIFOTEC các năm 1999, 2000, 2001, 2004…
Năm 2013, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhưng doanh thu Viện đạt 100 tỷ đồng, bằng 77,5% kế hoạch năm. Mặc dù doanh thu thấp hơn năm 2012 nhưng mức thu nhập của CBCNVC cao hơn so với năm 2012 do đẩy mạnh hoạt động các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh thu trung bình CBCNVC 9,5 triệu đ/tháng/người, tăng 11% so với năm 2012 (8,5 triệu đ/tháng/người).
Trong chiến lược phát triển Viện đến năm 2020, Viện sẽ chuyển xưởng thực nghiệm tại 235 Nguyễn Trãi, Hà Nội về tỉnh Hà Nam, xây dựng đồng bộ hệ thống xưởng thực nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm VLXD đặc biệt.
Năm 2013, Viện được cấp kinh phí xây dựng Trung tâm nghiên cứu vật liệu mới tại Khu công nghệ cao tại TP.HCM. Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện những chức năng của Viện VLXD trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm vật liệu xây dựng Miền Nam đã vượt qua nhiều thử thách khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trung tâm đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (2 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ Xây dựng, và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và cấp Viện VLXD). Các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tập trung vào giải quyết những vấn đề nóng của xã hội và được nhiều doanh nghiệp quan tâm như xử lý các thành phần khó phân hủy trong rác thải thành nguyên, nhiên liệu cho sản xuất VLXD, nghiên cứu ứng dụng công nghệ và vật liệu Nano để chế tạo các vật liệu tiên tiến... Công tác dịch vụ kỹ thuật của Trung tâm không ngừng tăng trưởng góp phần tốt vào việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng và đem lại nguồn thu nhập cho Trung tâm.
Theo Báo Xây dựng điện tử