Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và các bộ, ban, ngành có liên quan tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá.
Trên cơ sở kết quả của đề án, ngày 24/1, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ, tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố trong thời gian tới đây.
Phân tích về Nghị quyết 43, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết nêu rõ các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của Đà Nẵng.
Đây là thành phố trung tâm của miền Trung và tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đà Nẵng là một thành phố cảng, một thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi.
3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới đã được đặt ra, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển.
Về du lịch, phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế.
Về công nghiệp, vì Đà Nẵng rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển thành phố theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Điểm mới quan trọng là phải thay đổi mô hình phát triển, đưa thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực.
Nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển nhân lực, các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực mũi nhọn.
Cuối cùng, Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistic.
Từ 3 trụ cột lớn, mục tiêu đến năm 2030 là làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, một trung tâm về khoa học công nghệ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và một trung tâm về logistic; phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh. Đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cơ bản là phải có cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, phải phân cấp phân quyền; đồng ý xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất ở Đà Nẵng theo mô hình tiên tiến hiện đại; có đề án thí điểm mô hình tiên tiến hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên bình luận, với Nghị quyết 43 lần này, Bộ Chính trị đã xác định đúng "tầm" gắn với thời đại cho Đà Nẵng, xác định đúng vị thế của Đà Nẵng trong phát triển miền Trung - Tây Nguyên cũng như của cả nước.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Đà Nẵng đã có sự bứt phá nhất định trong thời gian vừa qua, đã hình thành đô thị tương đối hiện đại. Lần này, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43, để triển khai cần sớm có các cơ chế cụ thể, tạo điều kiện để Đà Nẵng xây dựng mô hình quản trị có hiệu quả. Tinh thần của Nghị quyết 43 là tạo một luồng gió, khát vọng mới cho thành phố.
Được biết, nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ nhất giai đoạn 2013-2016, xếp thứ 2 năm 2017; Chỉ số cải cách hành chính (Par index) xếp thứ nhất giai đoạn 2012-2016, xếp thứ 4 năm 2017; Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) dẫn đầu 9 năm liên tiếp 2009-2017.
Bên cạnh đó, tiềm năng và thế mạnh của các thành phần kinh tế ngày càng được phát huy. Đà Nẵng đã hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển khá mạnh mẽ, dần trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đến nay, Đà Nẵng có 22.040 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký đạt 110,4 ngàn tỷ đồng…
Theo Chinhphu.vn