TP Hồ Chí Minh mời gọi DN FDI đầu tư vào hơn 250 dự án

Thứ hai, 25/03/2019 11:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/3, TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 với chủ đề “TPHCM: Hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai”.

Hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019. VGP/Lê Anh

Tại hội nghị ngày, Thành phố công bố 255 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có 245 dự án xã hội hóa tập trung ở nhiều lĩnh vực như phát triển hạ tầng, đô thị thông minh, môi trường...

Năm 2018 vừa qua, nền kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, tỷ trọng quy mô kinh tế Thành phố so với quy mô kinh tế cả nước là 24,16%, cao nhất từ trước đến nay.

Trong năm qua, Thành phố đã thu hút được hơn 7 tỷ USD, tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn Thành phố lên thành 44,94 tỷ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI của Thành phố.

Đấu thầu công khai, minh bạch các dự án

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong năm 2019, Thành phố đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung đẩy mạnh triển khai.

Đó là, đề ra phương án tháo gỡ khó khăn các dự án chậm triển khai; triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố; xây dựng và ban hành đề án phát triển ngành Logistic trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, nghiên cứu triển khai Đề án “Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực”; xây dựng khu công nghiệp mới khoảng 300ha hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030.

Với tinh thần này, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Công khai hóa quy hoạch sử dụng đất để người dân và doanh nghiệp có thể xem được trên mạng internet.

Thành phố đã và đang phối hợp với Công ty tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá lại tình hình thu, chi ngân sách Thành phố, tiến hành xếp hạng tín nhiệm và tiến tới phát hành tái phiếu.

Thành phố đang rà soát các cơ sở nhà đất để tiến hành bán đấu giá, hoàn chỉnh kế hoạch để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

DN FDI sẵn sàng hợp tác đầu tư xây dựng Thành phố thông minh

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khẳng định rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lựa chọn TPHCM, chứng tỏ rằng Thành phố có một môi trường đầu tư và thương mại thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Về cơ sở hạ tầng, ông Tomaso Andreatta kiến nghị Thành phố đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến; xử lý ngập lụt; nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng; xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông. EuroCham sẵn sàng hợp tác về quy hoạch phát triển, đẩy nhanh quá trình xây dựng Thành phố thông minh và sáng tạo, và thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.

Đề cập đến chuyển giao công nghệ, ông Choi Bun Do, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, hiện nay các DN Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam. Để việc chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả, các DN tư nhân Việt Nam cần phải nỗ lực đổi mới công nghệ bằng việc gia tăng đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như phát triển nguồn nhân lực.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICham) đề nghị Thành phố quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài.

Chủ tịch ICham, ông Michele D’Ercole nhận định năm 2019, sức hấp dẫn của đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Các DN Ý đang xem xét ngày càng nhiều việc đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam mà chủ yếu ở khu vực TPHCM.

Đột phá cải cách hành chính, tiếp tục hội tụ đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Trong năm 2018, đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GRDP 8,3%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, tác động lan toả từ DN nước ngoài sang các DN trong nước còn thấp; việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các DN FDI đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả rất hạn chế; luỹ kế giải ngân vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, chỉ đạt khoảng 46% tổng vốn đăng ký; một số DN chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố…

Trên cơ sở kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 và thực hiện chủ đề năm 2019 của Thành phố “Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị của Thành phố cần tập trung các giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính; thủ tục đầu tư; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cơ chế chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Về cải cách hành chính, Thành phố  đã ban hành 40 thủ tục “một cửa điện tử” thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố ban hành thủ tục “một cửa điện tử” đối với đầu tư nước ngoài trên địa bàn; mở một chuyên mục trên website của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của DN nước ngoài, định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố hoàn tất các thủ tục đầu tư để khởi công Công viên Khoa học và Công nghệ trong năm 2020.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế các bất cập do đầu tư nước ngoài mang lại; giao Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu các giải pháp tận dụng và gắn kết đầu tư nước ngoài với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)