Cần nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Thứ hai, 25/02/2019 15:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - khoa học và công nghệ của cả nước. Với tốc độ gia tăng dân số cơ học ngày một cao tất yếu dẫn tới chủ đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng và đáng quan tâm nhất của TP. Hà Nội thời điểm hiện tại.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng đến năm 2020, 40% dân số sẽ sinh sống tại thành phố, nhu cầu về nhà ở xã hội ngày một tăng cao - Ảnh: Nguyễn Thắng

Nhiều vấp váp khi đi “tiên phong”

Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện tích cực chương trình phát triển nhà ở để giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng dân cư trên địa bàn. Bằng các cơ chế, chính sách đa dạng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Hà Nội đã từng bước tạo lập được quỹ nhà ở để giải quyết cho các nhu cầu bức xúc về nhà ở. Tuy nhiên theo đánh giá nhu cầu hiện nay Hà Nội vẫn còn thiếu nhà ở nghiêm trọng cho người lao động, nhất là đối với người nghèo, người thu nhập thấp, công chức, viên chức...

Nguyên nhân những vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội cơ bản là do chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và dài hạn, lãi suất cùng những chi phí phát sinh luôn đẩy giá thuê nhà lên cao khiến rất nhiều đối tượng thu nhập thấp không thể tiếp cận được quỹ nhà ở xã hội, ngoài ra là nhiều thủ tục mua nhà vẫn còn rườm rà, những bất cập trong cơ chế quản lý và điều hành khiến chính sách nhà ở xã hội rất thiết thực nhưng chưa thật sự đến được với người dân.

Tại phân khúc nhà ở xã hội quy mô vừa, thị trường ghi nhận đã có những dự án rất "nóng", khách hàng phải bốc thăm chờ may rủi để được mua một căn hộ nhà ở xã hội, như dự án Đại Kim, Khu đô thị mới Sài Đồng và dự án 622 Minh Khai do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư và một vài dự án khác ở khu vực các quận nội thành.

Ngược lại, có những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn nhưng không thu hút được người dân. Nguyên nhân chính là do vị trí chưa phù hợp, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, đặc biệt nguồn vốn vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng bị tạm dừng... Đơn cử như dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) khoảng 2.500 căn hộ, dự án The Vesta (Phú Lãm, quận Hà Đông) với 1.900 căn hộ, dự án Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh)...

Tại các dự án phục vụ nhóm đối tượng khác, hiệu quả cũng không như mong đợi. Đơn cử như dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai).

Một tồn tại nữa trong công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư là tình trạng nhiều căn hộ đã có quyết định bán nhưng qua nhiều năm người dân không đến ký hợp đồng và nộp tiền mua nhà; hay có hàng trăm căn hộ đã được bố trí cho các chủ đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng nên vẫn bỏ trống.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và các thiết chế văn hóa là những đòi hỏi thiết thực và cũng là những vấn đề bức xúc của người lao động. Hiện nay, trong rất nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ nhà ở xây dựng cho công nhân mới chỉ đạt khoảng 5%-10% nhưng vẫn có thể thừa-ế nếu không giải quyết được nhu cầu sinh hoạt khác ngoài chỗ ăn ngủ.

Khi đề cập đến thực trạng nhiều người dân không “mặn mà” với nhà tái định cư, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng Hà Nội cần thực hiện theo Luật Nhà ở, dần dần tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.

"Hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay là chất lượng nhà ở tái định cư nhiều nơi còn kém hơn nơi ở cũ, thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu thì không thể thu hút người dân vào ở được," ông Hà nhấn mạnh.

Cần chính sách cho một thị trường “nóng”

Theo ước tính của Bộ Xây dựng đến năm 2020, 40% dân số sẽ sinh sống tại thành phố. Đô thị hoá nhanh, nhu cầu nhà ở tăng, giá đất tăng, đối tượng người nghèo cũng tăng, đối mặt với nhu cầu tìm kiếm nhà ở giá rẻ bình dân, vừa túi tiền. Theo đó, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết, điển hình tại hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Tính đến đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 3 triệu người. So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành tính đến hết năm 2018 mới đạt được khoảng 33%.

Mới đây ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra 3 kiến nghị để tạo những chính sách phù hợp cho phát triển nhà ở xã hội: Thứ nhất là đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch, kế hoạch. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện nhưng chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định này. Cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Thứ hai là khơi thông nguồn vốn cho thị trường, cụ thể là trước mắt cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại, cổ phần do nhà nước, cho phép cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua. Như vậy, với 1 tỷ đồng bù lãi suất có thể huy động được thêm 33,3 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Về lâu dài cần có chơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn, cũng như hỗ trợ ưu đãi nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỷ đồng) tương tự như Nghị quyết 02 của Chính phủ trước đây đã rất thành công.

Khi nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh giá đất vẫn còn khá cao so với khả năng chi trả, mô hình tiết kiệm nhà ở cần phải được quan tâm xem xét để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn để cải thiện nhà ở của bản thân cũng như trách nhiệm với việc này.

Mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở nên là dạng “đóng”, chỉ huy động tài chính từ nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân.

Thứ ba là phát triển nhà ở cho thuê, tuy nhu cầu về nhà ở là rất lớn nhưng thực tế giá nhà ở tại các thành phố lớn vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân khiến việc tiếp cận nhà ở của những người có thu nhập trung bình và những người trẻ tuổi còn nhiều hạn chế. Vì vậy, về lâu dài, người dân cần thay đổi quan niệm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà). Với những người trẻ, chưa có nhiều tích luỹ thì có thể cân nhắc, không nên dốc hết tiền mua mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình. Đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)