Xây dựng thành phố thông minh và cuộc đua tại Việt Nam

Thứ sáu, 22/02/2019 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành trong cuộc đua chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử...

Thành phố thông minh là xu hướng tất yếu cùng với sự phát triển của công nghệ. Ảnh minh họa: KT.

Với xu thế phát triển của KHCN, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang có những dịch chuyển hướng tới trở thành thành phố thông minh. Một số thành phố và địa phương tại Việt Nam cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vừa công bố tháng 1 vừa qua, trong 5 năm qua, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 11 bậc, đưa Việt Nam lọt vào top các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao.

Ở miền Bắc, Bắc Ninh là một trong những tỉnh thành có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi sang mô hình đô thị thông minh. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, ban lãnh đạo tỉnh xác định phải chuyển đổi mô hình đô thị truyền thống hiện nay sang mô hình đô thị thông minh. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi hệ thống chính quyền hiện nay để tạo ra chính quyền thông minh.

Bắc Ninh xác định qua 3 giai đoạn gồm chuyển mô hình chính quyền điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; giai đoạn hai là từ mô hình chính quyền điện tử sang chính quyền mở (chính quyền kiến tạo); giai đoạn cuối cùng là từ chính quyền mở sang chính quyền thông minh.

Tại miền Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong lộ trình hướng đến phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử không những ở khu vực mà còn trên toàn quốc.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương tập trung xây dựng Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025", với mục tiêu "Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: giao thông, y tế, giáo dục…; đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện".
 

Chatbot là một trong những ứng dụng khá phổ biến trong phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Theo Đề án, bước đầu tỉnh sẽ cung cấp các dịch vụ cơ bản trên 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường. Dự kiến trong nửa đầu năm 2019 sẽ hoàn thiện công tác thử nghiệm và có thể cung cấp cho người dân trên địa bàn một số dịch vụ cơ bản thông qua môi trường mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định "Quan điểm phát triển "Dịch vụ đô thị thông minh" của Thừa Thiên-Huế là lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, Nhà nước kiến tạo".

TPHCM, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng xác định mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho hay, theo lộ trình, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử. Mục tiêu hướng đến là xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, nhất là dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

Chiến lược phát triển chính quyền điện tử của TPHCM giai đoạn 2019-2020 gồm tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ bằng việc kết nối liên thông các hệ thống dịch vụ công với cơ sở dữ liệu nền tảng như cơ sở dữ liệu người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức và kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành...
 

Việt Nam nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh trong năm 2019. Ảnh minh họa: KT.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ trực tiếp.

Năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy là hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ đang rất quyết liệt từ khâu làm gương trong chuyển đổi số tới tạo điều kiện, nền tảng căn bản và môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Vì thế, hơn lúc nào hết, Chính phủ rất cần sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của khối doanh nghiệp.

"Một đất nước phát triển phải có đội ngũ doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và đặc biệt cần những doanh nghiệp mạnh dẫn dắt cộng đồng. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là cách mạng và khi tiến hành một cuộc cách mạng, sự thay đổi phải bắt đầu từ người đứng đầu", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.


Theo vov.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)