Mèo Vạc nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều danh thắng và di sản, đang trở thành lợi thế giúp địa phương phát triển du lịch. Thời gian qua, lượng khách du lịch đến huyện ngày một tăng, cho thấy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ; một số dự án du lịch được đầu tư vào địa bàn, kết nối với hệ thống du lịch của tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay, Mèo Vạc đang triển khai dự án Khu phức hợp Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống OASIS Mã Pì Lèng A, xã Pải Lủng. Xác định rõ lợi ích dự án mang lại, huyện đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB để dự án sớm đi vào hoạt động.
Nhận diện rõ những khó khăn trong công tác GPMB, BTV Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động bồi thường, GPMB dự án Khu phức hợp Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống OASIS Mã Pì Lèng A, xã Pải Lủng; tích cực vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án. UBND huyện ban hành Quyết định về việc thu hồi đất với tổng diện tích gần 66.000 m2 của 36 gia đình đang sinh sống tại 2 thôn Mã Pì Lèng và Séo Sà Lủng, xã Pải Lủng. Đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất dự án với tổng số tiền hỗ trợ trên 6,6 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Sau khi nhận được số tiền 5 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp, huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường GPMB phối hợp với xã Pải Lủng chi trả cho các hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay còn 13 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp, chưa tin tưởng vào bản cam kết 4 bên mà công ty sẽ tuyển dụng lao động lâu dài; mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với dự án là 1,5 lần, trong khi đó các dự án thực hiện trước trên địa bàn có mức hộ trợ là 2,5 lần. Để thay đổi tư duy người dân, giúp bà con tiếp cận với phát triển du lịch, huyện đã thành lập đoàn (chủ yếu là người dân thôn Mã Pì Lèng) đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Mặt khác, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân; UBND huyện xây dựng bản cam kết 4 bên giữa chủ đầu tư dự án, chính quyền huyện, xã và các hộ dân có đất bị thu hồi; hỗ trợ bò giống cho 18 gia đình và tặng quà cho 13 hộ nằm trong dự án. UBND huyện làm việc với Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ lữ hành Miền Đất Việt thống nhất các nội dung về thu hồi đất đối với một số gia đình trong khu vực dự án. Đồng thời, xã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động; huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể, người có uy tín; nêu cao trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã trong công tác tuyên truyền.
Mèo Vạc hướng đến mục tiêu trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh. Theo đó, huyện đang tiến hành quy hoạch lại quần thể du lịch Mã Pì Lèng gắn với du lịch sinh thái - văn hóa. Ngoài việc tập trung làm tốt công tác GPMB, huyện đang ưu tiên thực hiện tốt khâu tuyên truyền, quảng bá, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; làm tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tăng cường gắn kết các điểm du lịch của huyện với các tua, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Mèo Vạc.
Theo báo Hà Giang