Sau khi giám sát quá trình thi công các cống ngăn triều, bà Nguyễn Thị Lệ đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư) nhằm đánh giá tiến độ, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - chủ đầu tư dự án Nguyễn Tâm Tiến cho biết, sau thời gian dự án tạm dừng, đầu tháng 2 vừa qua, UBND TPHCM cho phép tái khởi động dự án, hiện nay tất cả các hạng mục đã triển khai, tiến độ đạt 76%. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 78%, dự kiến xong trong năm 2019; cống Tân Thuận đạt 70%, dự kiến hoàn thành đầu 2020. Riêng cống Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định mới chỉ đạt từ 70 đến 85% do vướng mặt bằng. Cống Phú Định đạt 75%. Về tiến độ đê - kè đạt 65%, dự kiến hoàn thành trong 2019.
Một số cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập đang được thi công gấp rút
Trả lời chất vấn của các đại biểu về hiệu quả sau khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Tâm Tiến xác định rõ 4 mục tiêu quan trọng của dự án là: Chống ngập do triều; điều tiết mực nước kênh rạch; cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường; đảm bảo giao thông thuỷ. Kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TPHCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án hoàn toàn kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển dâng cho khu vực nội đô thành phố là nhiệm vụ tối quan trọng của dự án. Cụ thể, khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hoá bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của thành phố. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở trình trạng cảnh báo của triều cao. Chủ động điều tiết hạ thấp mực nước kênh rạch, thông qua hệ thống các trạm bơm được lắp đặt tại các cống kiểm soát triều. Trong tình huống cực đoan nhất là khi mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đấu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.
Giới thiệu tiến độ dự án tại buổi làm việc
Theo chủ đầu tư, trong 3 tháng gần đây UBND TPHCM chỉ đạo quyết liệt các đơn vị sở, ngành liên quan để giải quyết vấn đề này cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 110 hộ dân và một số tổ chức chưa di dời, bàn giao mặt bằng. Chủ đầu tư cam kết nếu trong tháng 6-2019 các quận, huyện bàn giao toàn bộ mặt bằng thì dự án sẽ hoàn thành ngay trong năm nay. Hiện tại, các phần vướng đền bù nằm ngoài khu vực thi công công trình và đa phần là khu đê bao, kè nên việc thi công các hạng mục công trình không ảnh hưởng nhiều vì vậy các công trình sẽ tiếp tục thi công để hoàn thiện sớm nhất trong điều kiện có thể.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng, tình trạng xảy ra của hệ thống thoát nước nội đô TP đang vướng phải là “ộc ngược nước” từ kênh rạch vào nội đô thành phố khi triều cao. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực thấp trũng thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như quận 4, 7, 8 và nặng nhất là Huyện Bình Chánh đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ngập nặng dù trời hoàn toàn không mưa. Mục tiêu của dự án sau khi đưa vào vận hành sẽ giải quyết ngập với diện tích lên đến 570 km2 ảnh hưởng đến 6,5 triệu dân.
Tuy nhiên, việc kết nối với các dự án khác chưa có đồng bộ vì hiện có rất nhiều đơn vị thực hiện đê kè, mỗi nơi làm mỗi kiểu, cao trình không đồng bộ có thể gây ngập do triều cường xâm nhập. Về việc này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Trực cho biết, sở tiếp tục rà soát tất cả các cống thoát nước nằm trong khu vực dự án để khép kín, nghĩa là gắn van ngăn triều tại các cửa xả của cống. Đối với hệ thống đê kè, sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện kè đảm bảo cao trình 3m (hiện mực nước triều cao nhất chỉ hơn 1,7m). Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh, rạch hiện chỉ mới làm đê kè một bên nếu không làm đồng bộ thì sạt lở có thể xảy ra. Hiện thành phố có trên 172 km đê kè chưa thể làm đồng loạt được vì nguồn vốn hạn hẹp.
Về việc bàn giao mặt bằng, đại diện Văn phòng UBND TPHCM cho biết, liên quan tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Chủ tịch UBND quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án, trước ngày 30-6 này như đã cam kết với Bí thư Thành ủy.
UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan, trình thẩm định, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, trước ngày 15-5. UBND TP phân công ông Võ Trung Trực, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố chủ trì, phối hợp Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố và chủ đầu tư dự án kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Sở Xây dựng khẩn trương xem xét kiến nghị của UBND huyện Nhà Bè, đồng thời chủ trì phối hợp UBND các quận huyện có đất thu hồi rà soát, đảm bảo phải có đủ quỹ nhà, đất ở phục vụ tái định cư. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; tham mưu, đề xuất ngay cho UBND TP xử lý. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè khẩn trương rà soát quỹ nhà, nền đất tái định cư của Công ty Dịch vụ Công ích và các đơn vị khác do huyện quản lý; nếu có sẵn quỹ nhà, nền đất phải khẩn trương đưa vào phục vụ tái định cư cho các hộ dân theo quy định.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh: Sau khiđi khảo sát thực tế, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị được phân nhiệm vụ thực hiện dự án. Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP để dự án có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên để dự án hoàn thành đúng như cam kết, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công, các quận huyện đã hứa bàn giao mặt bằng trước 30-6 khó khả thi. Vì vậy, các quận, huyện phải đeo bám, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.
Theo Sài Gòn giải phóng