Quảng Trị khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 15/03/2019 14:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với 15 dự án đang triển khai và hàng chục dự án được nghiên cứu bổ sung trong quy hoạch, tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương đi đầu về khai thác, phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ngoài mục đích khai thác tiềm năng đất đai, môi trường để giải quyết bài toán năng lượng phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tỉnh coi đây là một trong những giải pháp thiết thực nâng cao đời sống người dân trong các vùng dự án.

Tua-bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2.

Lợi thế cửa gió Hoong Cóc

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa thường kể cho nhau nghe về cửa gió Hoong Cóc ở xã Hướng Linh, nơi gió phần phật thổi suốt bốn mùa, mạnh gấp cả chục lần gió tây nam (gió Lào) tại huyện Cam Lộ và TP Đông Hà. Ở Hoong Cóc có các bản Xà Bai và Pa Cong. Người dân bản Xà Bai thì nhất quyết cho rằng cửa gió bắt đầu từ Xà Bai, có nghĩa gió bắt đầu từ hướng tây nam ở Xà Bai thổi đến. Còn người dân bản Pa Cong thì nói cửa gió bắt đầu từ Pa Cong, nghĩa là gió từ hướng đông bắc ở Pa Cong thổi qua. Ai nói, nghe cũng có lý vì đi từ phía tây nam vào Hoong Cóc, trời đất yên ả, nhưng đến thôn Xà Bai thì bất ngờ có gió thổi đến xiêu cả người. Tương tự, ở phía ngoài Pa Cong chẳng thấy gió đâu, song khi bắt đầu vào Pa Cong từ hướng đông bắc sang thì gió lại thổi khiến người run bần bật, bất kể trời nắng hay mưa. Đứng ở cửa gió Xà Bai - Pa Cong, rất dễ nhận thấy núi cao liên tiếp từ phía tây chạy xa tít tầm mắt rồi thấp dần. Về phía đông cũng có những ngọn núi cao chắn hết không gian. Núi tiếp núi, tạo thành hai dãy khép lại như một cái cửa tự nhiên, nên gió từ mọi nơi thổi về đều bị lùa qua, tạo ra một sự khác biệt về gió như vậy. Bà con dân bản cho biết điều kiện tự nhiên vùng này rất khắc nghiệt, chim cũng không ở nổi vì gió quá dữ, không thể bay lên. Hàng trăm năm qua đây là đại ngàn hoang vắng, thi thoảng mới có bóng người...

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020, lãnh đạo tỉnh nhận định, địa phương đang phát triển trong điều kiện nội lực yếu, cần phải có những bước đi hợp lý để tạo nên một tổng lực phát triển bền vững; trước hết là kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát khoa học về lượng gió ở vùng Xà Bai - Pa Cong để tiến tới quyết định biến cái không thể thành có thể, nghĩa là biến khó khăn do gió lớn gây ra lâu nay thành lợi thế, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển điện gió. Cụ thể, vận tốc gió bình quân năm ở Hướng Linh đạt từ 6 đến 7m/giây, vận tốc gió ổn định quanh năm với hai hướng chủ yếu tây nam từ tháng 3 đến tháng 9 và đông bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. So sánh với các tỉnh đang có các nhà máy điện gió hoạt động ở phía nam thì mọi thông số gió ở Hướng Linh đều vượt trội. Ngày 29-7-2015, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2. Ngay sau đó, từ một điểm trên quốc lộ 9 thuộc địa phận thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đa Krông, đường được mở ngược lên xã Hướng Linh để phục vụ thi công các dự án điện gió.

Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tân Hoàn Cầu cho biết, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 là nhà máy được xây dựng đầu tiên ở Bắc Trung Bộ có 15 tua-bin gió, mỗi tua-bin có công suất 2 MW sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đã đưa vào hoạt động. Mỗi tua-bin gió có chiều cao 80 m, đường kính cánh quạt 100 m. Gió hướng nào thì tua-bin tự điều chỉnh theo hướng đó và khi có gió lớn đạt vận tốc 25 m/giây thì tua-bin tự dừng hoạt động để bảo đảm an toàn. Cánh quạt của tua-bin quay với tốc độ cao nhất 16 vòng/phút, khi truyền vào rô-to ở phía trong sẽ đạt từ 1.800 đến 1.900 vòng/phút và phát ra nguồn điện. Nhà máy Hướng Linh 1 của Tổng công ty cũng có 15 tua-bin đang được lắp ráp thi công, như vậy đến khi cả hai nhà máy có 30 tua-bin phát điện cùng hoạt động, sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kW giờ/năm. 

Xây dựng cánh đồng điện gió

Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh có thể đạt tổng công suất 1.280 MW; tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa; xã Hướng Hiệp của huyện Đa Krông; các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành của huyện Gio Linh; xã Vĩnh Tân và khu vực ven biển của huyện Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ.
 


Công nhân Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 kiểm tra hệ thống điều khiển điện.

Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Trị xác định quy mô phát triển điện gió đến năm 2020 là 110 MW. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 15 dự án điện gió đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 578 MW; đang trình Bộ Công thương phê duyệt 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.455 MW. Ngoài ra, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió với tổng công suất dự kiến 950 MW.

Hiện diện tích đất phục vụ các dự án điện gió đã lên đến gần 32 nghìn héc-ta. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đo đạc, quy hoạch để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân địa phương được sản xuất trên diện tích đã cấp cho các doanh nghiệp để hình thành các cánh đồng điện gió. Phía trên, các doanh nghiệp khai thác gió để sản xuất điện; dưới mặt đất, người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch. Phần lớn người dân sinh sống ở các khu vực có nguồn năng lượng gió lớn là người Vân Kiều và Tà Ôi và một phần là người Kinh, do vậy, qua việc đầu tư xây dựng cánh đồng điện gió, ngoài việc giải bài toán năng lượng, tỉnh Quảng Trị còn nhắm đến việc nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc miền núi. Cơ sở của chủ trương này là phần lớn các công trình điện gió đều tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông nên thuận lợi cho việc liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch thân thiện môi trường. Tỉnh Quảng Trị quyết tâm cùng một lúc làm tốt hai nội dung này để khai thác tốt lợi thế cả về đất đai, môi trường và năng lượng tái tạo.

Những ngày này, tỉnh Quảng Trị như một đại công trường của các dự án đầu tư điện gió và điện mặt trời. Nếu như điện gió tập trung phần lớn ở miền núi thì điện mặt trời ở Quảng Trị tập trung nhiều ở vùng đồng bằng và cát ven biển. Anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân Công ty cổ phần Licogi 13 đang làm việc tại công trường thi công dự án Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị vừa làm vừa hát “công trường tấp nập em thấy đông vui quá”. Không khí lao động hết sức khẩn trương của các công nhân đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng để Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị tại các xã Gio Hải, Gio Thành của huyện Gio Linh đi vào hoạt động đúng thời gian đề ra. Hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên các giá đỡ, phủ một vùng rộng lớn. Trưởng ban quản lý dự án nhà máy Nguyễn Quốc Thi cho biết, các anh đang khẩn trương thi công, chạy đua với thời gian, để phấn đấu phát điện và hòa lưới điện quốc gia trước ngày 30-6-2019.

Ông Phan Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Trị cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp chủ trương đầu tư thêm hai dự án điện mặt trời với tổng vốn hơn 7.400 tỷ đồng cho Công ty CP năng lượng Gio Thành triển khai xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1; Công ty CP Seco xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2, cả hai nhà máy đều nằm ở huyện Gio Linh. Quảng Trị đang có 10 dự án điện mặt trời trên tổng cộng hơn 221 ha đất với tổng công suất 499,5 MWp. Ngoài ra tỉnh đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch ba dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến 200 MWp.

Đồng chí Nguyễn Quân Chính cho biết, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là một trong những ưu tiên của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh chủ trương tạo niềm tin mới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; chủ động tới tận ngõ, gõ tận cửa nhà đầu tư mời chào họ đến, thay vì chờ nhà đầu tư tìm đến. Những năm qua, cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời để tạo bước đột phá cơ bản trong cơ cấu và giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Trị sẽ khởi công một số dự án lớn về điện gió, điện mặt trời để khai thác hiệu quả tiềm năng về năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm điện lực của khu vực Bắc Trung Bộ.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)