Phát triển nước sạch nông thôn: Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cấp

Thứ sáu, 15/03/2019 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch ở nông thôn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Năm 2019, thành phố dự kiến nâng tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch lên từ 73% đến 75%. Để hoàn thành mục tiêu, cần sớm tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình triển khai các dự án nhằm bảo đảm nguồn cấp...

Công nhân Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì vận hành hệ thống trạm bơm, cấp nước sạch.

55,5% số hộ gia đình ở nông thôn có nước sạch

Khi chưa có công trình cấp nước sạch, các hộ gia đình ở xã Phú Cường (huyện Ba Vì) phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa. Có nước sạch phục vụ sinh hoạt là nhu cầu bức thiết của người dân nơi đây. Vì vậy, khi có chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước sạch về xã, hầu hết các hộ gia đình đều đăng ký tham gia. Cuối năm 2018, Thanh Chiểu là thôn đầu tiên của xã Phú Cường được sử dụng nước sạch từ Nhà máy Nước sạch Ba Vì. Bà Nguyễn Thị Thu, xóm 1, thôn Thanh Chiểu chia sẻ: “Công trình cấp nước đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương. Nỗi lo về sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh dẫn đến bệnh tật không còn canh cánh với chúng tôi...”.

Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Cường Hứa Xuân Thiện cho biết: Thôn Thanh Chiểu có khoảng 500 hộ gia đình, tương ứng với 70% tổng số hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch. Các thôn còn lại của xã cũng đang lắp đặt, đấu nối đường ống, dự kiến sẽ được dùng nước sạch trong năm 2019.

Không riêng xã Phú Cường, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND thành phố và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, năm qua, trên địa bàn thành phố có thêm 4 dự án đầu tư phát triển nguồn nước sạch đã hoàn thành, góp phần bổ sung khoảng 335.000m3 nước/ngày, đêm cho khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn có 14 dự án mạng lưới cấp nước hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 9 dự án đang triển khai thi công tại các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì... Nhờ vậy, đến hết năm 2018 đã có 55,5% số hộ gia đình ở khu vực ngoại thành đã được sử dụng nước sạch, vượt 0,5% so với kế hoạch đề ra.

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, đến nay thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn với tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3 nước/ngày, đêm và 23 dự án phát triển mạng cấp nước sạch. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 4.023.200 người dân, tương ứng khoảng 1.005.000 hộ gia đình ở khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 94% vào năm 2020. Trên cơ sở này, thành phố đã tính toán để đưa ra mục tiêu đến hết năm 2019, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố đạt từ 73% đến 75%.
 


Người dân thôn Thanh Chiểu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) được dùng nước sạch.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song việc đưa nước sạch về nông thôn vẫn còn không ít khó khăn. Đơn cử như có địa phương tỷ lệ hộ gia đình đấu nối và sử dụng nước sạch còn thấp (khoảng 60-70%), vừa thiệt thòi cho chính hộ gia đình vừa khiến doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch gặp khó khăn khi vận hành. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông Lại Văn Thịnh, doanh nghiệp khó cân đối thu - chi, hoàn vốn cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm tiến độ dự án đầu tư.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư chậm triển khai dự án cấp nước, như: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng đặt tại huyện Đan Phượng, công suất 300.000m3 nước/ngày, đêm dự kiến cấp nước từ năm 2019, nhưng đến nay nhiều hạng mục chưa hoàn thành... Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân các dự án cấp nước sạch ở nông thôn chậm tiến độ là do tiềm lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, phát sinh những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...

Khẳng định vai trò quan trọng của nước sạch đối với người dân nông thôn, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, trong đó yêu cầu các địa phương đã có nước sạch nhưng tỷ lệ người dân sử dụng thấp phải ban hành ngay nghị quyết phân công, chỉ đạo các xã, các đoàn thể tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch với sức khỏe cộng đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn việc sử dụng nước sạch nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, của xã. Đặc biệt, thành phố yêu cầu các huyện, thị xã chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước theo kế hoạch; lập tổ công tác giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến nhà đầu tư và người dân...

Liên quan đến việc sử dụng nước sạch, UBND thành phố đã giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, hỗ trợ các xã khu vực ngoại thành để đẩy nhanh tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch, từ đó tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư... 

Đưa nước sạch về nông thôn có ý nghĩa xã hội rất lớn, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Để bảo đảm mục tiêu nâng tỷ lệ hộ dân ngoại thành sử dụng nước sạch trong năm 2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã đôn đốc các nhà đầu tư triển khai dự án phát triển nguồn đẩy nhanh tiến độ thi công để tăng thêm 525.000m3 nước/ngày, đêm, nâng tổng nguồn nước cấp cho hệ thống đạt khoảng 1.700.000m3 nước/ngày, đêm...


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)