Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững

Thứ ba, 25/11/2014 10:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững vừa được tổ chức tại Tiền Giang là hội nghị cuối cùng trong 7 tỉnh thành thuộc vùng TP.HCM. Đây là hội nghị nằm trong khuôn khổ chương trình khảo sát, thu thập thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD, chủng loại VLXD tiêu biểu của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và TP.HCM.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM và Tiền Giang cùng ký liên kết cung cấp thông tin quản lý phát triển VLXD.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Hội nghị đã tổ chức xong ở 6 tỉnh, Tiền Giang là tỉnh cuối cùng, sau đó sẽ tổng kết ở TP.HCM dự kiến vào khoảng tháng 6/2015. Thời gian qua, mỗi tỉnh đều tổ chức hội nghị nhằm tạo điều kiện để các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD lưu thông trên địa bàn và đưa vào sử dụng trong công trình xây dựng. Qua đó giới thiệu một số sản phẩm vật liệu không nung, vật liệu mới, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng dẫn sử dụng, thi công, nghiệm thu; thông tin các khu, cụm công nghiệp đang thu hút các DN sản xuất VLXD trên địa bàn; điều kiện tham gia đầu tư, sản xuất VLXD; các chính sách thu hút đầu tư sản xuất VLXD trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh…

Theo ông Phan Đức Nhạn - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghiệp VLXD là một trong những ngành công nghiệp lợi thế định hướng phát triển của Vùng. Từng địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều xác định việc phát triển VLXD phải phù hợp với quy hoạch phát triển VLXD của cả nước; khoanh vùng nguồn nguyên liệu với sản lượng và chất lượng tương ứng với quy mô và tiềm năng sản xuất các loại VLXD đáp ứng yêu cầu về kỹ, mỹ thuật, trở thành thế mạnh của từng địa phương; chú trọng việc liên kết, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất VLXD nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đối với thị trường VLXD trong nước và thế giới.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Nghĩa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết. Tiền Giang có vai trò như vùng trung chuyển giữa các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Nguồn tài nguyên khoáng sản của Tiền Giang hạn chế nhưng lại có vị trí thuận lợi để phát triển các KCN tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ, phát triển VLXD cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hội nghị lần này được tổ chức tại Tiền Giang là cơ hội để các DN xây dựng và sản xuất VLXD quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ và sử dụng dịch vụ cho ngành Xây dựng. Tại hội nghị, các đại biểu và DN cũng thấy được thế mạnh của từng tỉnh cũng như chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và các dự án đang kêu gọi đầu tư của Tiền Giang cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để có định hướng trong hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh.

Hiện tiềm năng khoáng sản VLXD của Tiền Giang chủ yếu là cát, với tổng trữ lượng khoảng 96,24 triệu m3, bao gồm trữ lượng cát trên sông Tiền 94,91 triệu m3 và trên sông Vàm Cỏ Tây 1,33 triệu m3; trữ lượng có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế khoảng 50,30 triệu m3. Lượng cát bổ cập trên sông Tiền khu vực hạ lưu ngã ba sông Cổ Chiên khoảng 6,4 triệu m3/năm.

Phát huy thế mạnh từng nguồn nguyên liệu

Quy hoạch phát triển VLXD TP.HCM đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2491/QĐ-UBND ngày 21/5/2011 của UBND TP. Trong đó, TP.HCM đã xác định những quan điểm và mục tiêu phát triển mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững gồm: Phát triển VLXD công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, quy mô hợp lý, sản phẩm đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; tập trung các cơ sở sản xuất VLXD vào các KCN để thuận lợi trong phát triển sản xuất và đảm bảo về môi trường. Từng bước chuyển đổi hoặc loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, không phù hợp với quy hoạch. Đến năm 2020, hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi TP đến những địa phương có quy hoạch phù hợp. Di dời các cơ sở sản xuất VLXD khác nằm ngoài KCN, CCN; TP trở thành trung tâm giao dịch, trưng bày, triển lãm sản phẩm VLXD quy mô lớn, hướng đến sự phát triển bền vững của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định: Thực tế tại TP.HCM và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở đã và đang đầu tư, tạo nhu cầu lớn về VLXD. Yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước, cũng như sản xuất, kinh doanh của DN là việc phát triển lĩnh vực VLXD phải gắn với phát triển bền vững, đô thị xanh, đô thị sinh thái. Thời gian qua, TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện Chương trình khảo sát, thu thập thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD, chủng loại VLXD là thế mạnh của 7 tỉnh thuộc Vùng TP.HCM. Tiến đến xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư liên kết Vùng, tạo tiền đề vững chắc cho lĩnh vực VLXD của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.

Với tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, đòi hỏi nhu cầu về VLXD là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên không tái tạo để sản xuất VLXD đang có nguy cơ cạn kiệt gây bất ổn cho quá trình phát triển bền vững ở các đô thị. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, hội nghị được triển khai nhằm nắm bắt thông tin về VLXD của tỉnh bạn, đặc biệt là thế mạnh về VLXD. Qua đó học hỏi những việc làm hay, sáng kiến của mỗi địa phương, đồng thời tăng tính đoàn kết giao lưu giữa các Sở Xây dựng để hỗ trợ nhau trong công tác quản lý nhà nước về VLXD và các lĩnh vực khác của ngành Xây dựng. “Nắm bắt để trao đổi thông tin nhằm tăng cường công tác xử lý vi phạm các DN có địa điểm hoạt động liên tỉnh, cung cấp thông tin liên quan để xây dựng chương trình, đề án phục vụ cho công tác quản lý phát triển VLXD của Vùng TP.HCM”, ông Lâm chia sẻ.

Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững đã nhận được sự thống nhất cao về quản lý nhà nước là, cần phải liên kết để phù hợp với định hướng phát triển chung và tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN trong quá trình hội nhập.

Liên kết nhằm phát huy thế mạnh của từng tỉnh thành, bổ sung những hạn chế cho các tỉnh thành còn yếu và thiếu về chủng loại VLXD .

 

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)