Một đô thị xanh phải đạt ít nhất 7 tiêu chí về không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên danh lam thắng cảnh… Mục tiêu hướng đến đô thị xanh và phát triển bền vững được hiểu như một cái đích mà chúng ta phải hướng tới trong cả hiện tại và tương lai. Trước hết cần rà soát bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện. Qua đó lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các giải pháp quy hoạch quản trị đô thị và đầu tư phát triển đô thị. Cùng với việc rà soát cần đánh giá tổng thể hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển đô thị nhằm đảm bảo sự kết nối từ Trung ương tới địa phương. Nỗ lực chung về phát triển kinh tế phải đi đôi với giảm thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu những tác động gây tác hại tới môi trường nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hệ thống đô thị Việt Nam. Phát triển KCN gắn với phát triển dân cư, dịch vụ khép kín bảo đảm phục vụ cho người lao động góp phần hình thành từng bước chuỗi đô thị hiện đại, phát triển đồng bộ. Chuyển đổi mục tiêu đầu tư phù hợp đối với những KCN, CCN có nguy cơ ô nhiễm và khó khắc phục.
Quan điểm phát triển của Đồng Nai là đến năm 2015 xây dựng Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp phát triển có nền tảng kinh tế - xã hội CNH, HĐH, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đến năm 2030 Đồng Nai sẽ trở thành một trung tâm đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại - dịch vụ chất lượng cao và vùng nông lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững; đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái.
Theo đó, đến năm 2015 Đồng Nai sẽ có 11 đô thị, trong đó 1 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I (Biên Hòa), 2 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Khánh, Nhơn Trạch), 1 đô thị loại IV (Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (Long Thành, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú), tỷ lệ đô thị hóa đạt 40-45%; Năm 2020 có 11 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (Biên Hòa), 1 đô thị cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại II (Nhơn Trạch), 1 đô thị loại III (Long Khánh), 2 đô thị loại IV (Long Thành, Trảng Bom) và 6 đô thị loại V (Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An), tỷ lệ đô thị hóa đạt 50-60%...
Năm 2015, Đồng Nai tập trung các nguồn lực phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất của 4 đô thị động lực của tỉnh là: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư, phát triển các đô thị động lực của tỉnh và đô thị Long Thành gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giai đoạn 2021-2030 cải tạo, nâng loại 8 đô thị: Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Định Quán, Tân Phú và từng bước xây dựng, hình thành mới 6 đô thị là: Bình Sơn, Phước Thái, Thạch Phú, Phủ Lý, Phú Túc, La Ngà.
Riêng đô thị Biên Hòa, năm 2015 tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh và khắc phục các tiêu chí còn thiếu của đô thị Biên Hòa để đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại I. Ưu tiên đầu tư các tiêu chí về: Giao thông; tiêu thoát nước - thủy lợi; cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn - nghĩa trang và kiến trúc cảnh quan đô thị. Giai đoạn 2016-2020 xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; giải quyết ô nhiễm môi trường từ các KCN, CCN; xây mới hạ tầng trung tâm hành chính, văn hóa cấp tỉnh; tiếp tục cải tạo, xây dựng đô thị Biên Hòa đạt chuẩn quy định của đô thị loại I…
Theo : Báo Xây dựng điện tử