Xây dựng nhà ở để ổn định nguồn nhân lực
Trong chương trình phát triển nhà ở, Bình Dương xác định chủ động đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở, tại khu vực đô thị và nông thôn, đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh; qua đó huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, đồng thời tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng nhà ở; do đó, việc lập và ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết và là cơ sở quan trọng để triển khai công tác phát triển nhà ở trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá: Chương trình phát triển nhà ở của Bình Dương cần bàn rõ thực trạng nhà ở và các giải pháp cụ thể, để từ đó có cơ chế phát triển tốt hơn. Đối tượng ưu tiên chăm lo khoảng 860.000 công nhân, không những về nhà ở mà cả y tế, giáo dục. Công nhân và người thu nhập thấp là đối tượng được quan tâm nhiều nhất, vì vậy cần đánh giá đúng thực trạng của họ để đề xuất cơ chế chính sách phù hợp.
Theo báo cáo, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến ngày 1/8/2014 là rất cao. Trong đó cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 68.000 người (chiếm 3,8% trên tổng dân số Bình Dương); công nhân khoảng 800.000 người (chiếm 44,4%); người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở xã hội tại khu vực đô thị khoảng 100.000 người và người có công với cách mạng trên 1.000 người (chiếm 0,06%); người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên 2.000 người (chiếm 0,11%), học sinh, sinh viên khoảng 12.000 người (chiếm 0,7%).
Dự báo dân số đô thị Bình Dương đến năm 2020 khoảng 2,5 triệu người và đến năm 2030 khoảng 3,5 triệu người. Tuy nhiên, tổng diện tích sàn nhà ở của Bình Dương mới đạt trên 41.5 triệu m2, trong đó nhà ở đô thị trên 33,5 triệu m2, khu vực nông thôn khoảng 8 triệu m2. Diện tích nhà ở bình quân của tỉnh Bình Dương là 22,2 m2/người, cao hơn so với bình quân cả nước là 18,6 m2/người (thấp hơn Bình Phước là 21,3 m2/người, Đồng Nai 22,4m2/người, TP.HCM 27,1 m2/người). Sở dĩ diện tích nhà ở bình quân của Bình Dương thấp hơn so với khu vực là do tỷ lệ dân nhập cư khá lớn. Để ổn định được nguồn nhân lực này, ngoài việc tạo việc làm thì Bình Dương cũng chú trọng tới cơ chế chính sách để phát triển nhà ở nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Phát triển nhà ở gắn với mục tiêu phát triển kinh tế
Tại cuộc họp của UBND tỉnh về chương trình phát triển nhà Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằn ổn định nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp VSIP khẳng định: “Nếu không có nhà ở công nhân được xã hội hóa thì không có phát triển như ngày hôm nay. Phát triển đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân cần có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, như giảm nộp tiền sử dụng đất. Giải pháp làm nhà cho công nhân trong chương trình phải mang tính cụ thể và đưa ra giải pháp thực thi được, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành. Không có nhà trọ của tư nhân xây dựng chưa chắc phát triển được công nghiệp như ngày hôm nay”.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải lại cho rằng, chương trình phát triển nhà chỉ chú trọng tới đầu tư và chất lượng mà cần nói lên không gian nhà ở nông thôn, đô thị, quanh Khu công nghiệp, nhà trọ như thế nào. Căn cứ theo các quy hoạch thì mới dự báo mức độ phát triển nhà ở và đặt ra nhu cầu phát triển nhà ở theo hình thức kiên cố, bán kiên cố trong tương lai. Từ đó mới có quy hoạch đi theo làm hạ tầng giao thông.
Ông Vũ Xuân Thiện - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá cao về nhà ở cho công nhân mà Bình Dương đã thực hiện. “Trên cơ sở số liệu của các địa phương mà Bộ Xây dựng xây dựng chiến lược nhà ở hàng năm và 5 năm. Qua đó đưa ra các dự báo chính xác hơn về nhu cầu nhà ở của các đối tượng. Riêng Bình Dương, khi đánh giá về nhà ở công nhân phải mang tính toàn diện tổng thể chi tiết”, ông Thiện nhấn mạnh.
Bình Dương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá; huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức; nhà ở (kể cả nhà trọ) cho công nhân tại các khu công nghiệp để phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nhằm từng bước cải thiện chỗ ở của nhân dân.
Năm 2015, diện tích nhà ở bình quân của tỉnh Bình Dương là 23,5 m2/người, trong đó tại khu vực đô thị, diện tích nhà ở bình quân là 24,7 m2/người; tại khu vực nông thôn là 19,6 m2/người. Giai đoạn 2016-2020, diện tích nhà ở bình quân là 30m2/người, trong đó tại khu vực đô thị diện tích nhà ở bình quân là 31,4 m2/người; tại khu vực nông thôn là 24,1 m2/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân lên 33,0 m2/người, trong đó tại khu vực đô thị diện tích nhà ở bình quân là 34,3 m2/người; tại khu vực nông thôn là 25,8 m2/người.
Theo Báo Xây dựng điện tử