Đây là một quyết định đặc biệt quan trọng, tạo sự liên kết phát triển cho không chỉ 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, mà còn cho cả vùng Bắc Trung bộ.
Vùng kinh tế tổng hợp
Vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình là vùng giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo Phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đây là vùng kinh tế tổng hợp, là động lực phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và của vùng Bắc Trung bộ.
Phạm vi quy hoạch toàn vùng là 611.939ha. Trong đó diện tích tự nhiên vùng Nam Hà Tĩnh là 294.180ha, vùng Bắc Quảng Bình là 317.759ha. Ranh giới lập quy hoạch vùng gồm 3 huyện của tỉnh Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên) và 3 huyện, 1 thị xã của tỉnh Quảng Bình (huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn).
Theo Phê duyệt, quy mô đất dành cho phát triển đô thị và làm động lực cho phát triển kinh tế của vùng đến năm 2030 là 26.283ha. Trong khi đó, đến năm 2030, quy mô đất dành cho xây dựng các khu dân cư nông thôn là 7.150ha, cho du lịch vùng là 5.340ha, cho phát triển công nghiệp toàn vùng dự kiến khoảng 7.670ha, tập trung chủ yếu ở các trung tâm phát triển công nghiệp như Trung tâm công nghiệp Vũng Áng, Hòn La, Bắc Cẩm xuyên Hương Khê, Cha Lo... Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2030 khoảng 1.200.000 người, trong đó dân số đô thị là 550.000 người.
Du lịch là thế mạnh đặc biệt của vùng Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh với nhiều danh thắng nổi tiếng trong nước, khu vực và thế giới. Hoạt động du lịch của vùng đến năm 2030 được định hướng với các không gian: Du lịch biển đảo gắn với khu vực ven biển Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Bãi Con, Hòn La, Ba Đồn... Du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Kẻ Gỗ, Phong Nha - Kẻ Bàng và hệ thống các sông, hồ lớn trong vùng. Ngoài ra, vùng còn có du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử, các danh nhân văn hóa địa phương.
Định hướng đến năm 2030, hệ thống đô thị vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình sẽ có khoảng 18 đô thị lớn, nhỏ. Vùng Nam Hà Tĩnh dự kiến có khoảng 10 đô thị, trong đó phát triển 4 đô thị hiện có (Cẩm Xuyên, Thiên Cầm, Hương Khê, Kỳ Anh), hình thành mới 6 đô thị (Voi, Kỳ Đồng, Kỳ Lâm, Kỳ Ninh, Hoành Sơn, La Khê). Vùng Bắc Quảng Bình dự kiến có 8 đô thị, trong đó, phát triển 3 đô thị hiện có (gồm Ba Đồn, Đồng Lê, Quy Đạt), hình thành mới 5 đô thị (Quảng Phương, Hòn La, Tiến Hoá, Cha Lo - Bãi Dinh, Hoá Tiến).
Chú trọng thoát nước và xử lý rác thải
Nhằm phát triển vùng Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh thành một khu vực phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, cảnh quan, Thủ tướng yêu cầu nước thải công nghiệp của vùng trước khi xả vào hệ thống đường ống nước thải phải được xử lý cục bộ đạt theo tiêu chuẩn quy định hiện hành.
Nước thải bệnh viện phải được xử lý đảm bảo môi trường theo quy định. Đối với các khu vực mới phát triển thuộc đô thị loại III phải sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn. Đối với các đô thị loại III, IV, V, các thị trấn, trung tâm cụm xã sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng. Các điểm dân cư nông thôn được xây dựng hệ thống thoát nước chung. Dự tính, tổng lượng nước thải cần thu gom, xử lý trong vùng quy hoạch đến năm 2030 là gần 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Cùng với việc chú trọng hệ thống thoát nước thải, thì chất thải rắn cũng sẽ được phân loại tại nguồn, rồi chuyển đến các trạm trung chuyển, xử lý phân loại sơ bộ sau đó chuyển đến các trung tâm xử lý chất thải rắn tập trung của từng khu vực.
Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn tùy theo loại hình rác thải, theo môi trường khu vực đặt nhà máy xử lý và theo điều kiện đầu tư, áp dụng công nghệ mới. Dự kiến đến năm 2030, tổng lượng chất thải rắn của toàn vùng thải ra sẽ ở mức 3.880 tấn/ngày đêm.
Trong Quyết định Phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu vùng Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh phải bảo vệ môi trường nguyên sinh tại các khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Kẻ Gỗ, Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng thời tăng cường quản lý trồng rừng để chống xói mòn, lũ quét.
Phấn đấu cải tạo đất, đảm bảo độ che phủ của rừng đạt trên 75% vào năm 2030, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái biển, các vùng rừng ngập mặn và xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Hà Tĩnh là đặc biệt quan trọng, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của vùng, nhằm tạo ra không gian liên kết kinh tế khu vực Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình, đáp ứng được cả về an ninh, quốc phòng quốc gia.
Theo Báo Xây dựng điện tử