Đây là ba hộ cuối cùng nằm trong số 11 hộ tại xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh không nhận tiền và bàn giao đất đã bị các cơ quan chức năng của huyện lập hồ sơ cưỡng chế.
Trước đó, nhờ sự kiên trì tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền và đoàn thể, đã có tám hộ trong diện bị cưỡng chế đồng ý bàn giao mặt bằng, chỉ còn ba hộ đến hôm nay phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm, trong suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án, huyện đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Đa số các hộ dân có đất bị thu hồi đã đồng thuận chủ trương thu hồi đất của Nhà nước và chấp nhận tiền và bàn giao đất.
Đến nay, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với hơn 1.110 hộ dân ở hai xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế có diện tích gần 90ha và tổng số tiền bồi thường trên gần 1.230 tỷ đồng. Hiện còn gần 180 hộ với diện tích hơn 28ha chưa giải phóng mặt bằng, trong đó tại xã Xuân Đỉnh còn gần 120 hộ với hơn 25ha, xã Cổ Nhuế còn hơn 50 hộ với 2,36ha.
Dự kiến, sang tuần, huyện sẽ bàn giao 18,7ha đất ưu tiên cho chủ đầu tư triển khai xây dựng ngay trong tháng Một này. Với các diện tích đã giải phóng mặt bằng còn lại, chủ đầu tư sẽ khởi công tiếp trong quý 1 này. Các đơn vị chức năng của h uyện cam kết trong sáu tháng đầu năm nay sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án.
Theo quy hoạch phê duyệt từ năm 2007, dự án Tây Hồ Tây nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, giáp Công viên Hòa Bình. Với diện tích hơn 207ha và tổng mức đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD, dự án sẽ phát triển thành một khu đô thị đồng bộ, hiện đại tiêu biểu hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.
Dự án bao gồm các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, công trình hành chính, thương mại, tài chính-dịch vụ quốc tế và nhà ở; trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện đến năm 2019 với diện tích mặt bằng 117ha.
Đề cập nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai dự án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, có một số nguyên nhân quan trọng như điều chỉnh quy hoạch để xây dựng một số công trình, điều chỉnh quỹ đất xây trụ sở các cơ quan Trung ương sau khi di dời từ nội thành…
Đặc biệt, tiến độ dự án chậm có ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn lực đầu tư do khủng hoảng kinh tế; công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn do thiếu vốn và thiếu cơ chế chính sách đồng bộ, nhất là việc thực hiện quy định của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài.
Với nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và huyện Từ Liêm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao một phần quỹ “đất sạch” để chủ đầu tư triển khai giai đoạn 1 của dự án. /.
Theo : TTXVN/Vietnam+