Những dự án này gồm Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long tại Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức; Khu nhà ở thương mại cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông của Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà; Khu đô thị mới Trung Văn, huyện Từ Liêm của Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Nội và một dự án của Công ty CP Thiết bị vật tư Du lịch.
Phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, dự kiến trong tuần tới, Sở Xây dựng TP Hà Nội sẽ có cuộc họp với các Sở, ngành để hướng dẫn các chủ dự án thực hiện việc chuyển đổi dự án.
Để thực hiện chuyển đổi các dự án này, thời gian tới, rất cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành liên quan để điều chỉnh những bất cập trong các quy định trước đây về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở.
Cho phép chuyển đổi mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản thực hiện chuyển đổi sang nhà ở xã hội sẽ được hưởng một số ưu đãi về tiền sử dụng đất, vay vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 10% thay vì 25%…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhờ chính sách hỗ trợ trên, giá nhà ở xã hội sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, dự kiến chỉ còn khoảng 400 triệu đồng/căn hộ và đây là mức giá mà nhiều người mua có khả năng thanh toán.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện nay, Hà Nội còn tồn khoảng hơn 9.100 căn nhà chung cư, biệt thự, liền kề, ngay cả nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ.
Tháng trước, tại cuộc họp giữa Đoàn công tác Chính phủ với lãnh đạo TP Hà Nội bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo TP Hà Nội cần tính toán để bên cạnh chính sách chung, có chính sách cụ thể cho người thu nhập thấp, đối tượng được hưởng nhà ở xã hội có thể mua được nhà.
Theo : chinhphu.vn