Ngày 23-1, UBND TP yêu cầu UBND huyện Nhà Bè kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi xây dựng, san lấp, lấn chiếm, cơi nới nhà ở, công trình trái phép, không phép trong hành lang bảo vệ bờ sông Đồng Điền thuộc phạm vi bảo vệ an toàn bờ kè. Nghiêm cấm các trường hợp neo đậu tàu thuyền vào bờ kè gây mất ổn định, xử phạt các trường hợp tái phạm. UBND TP giao UBND huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư nghiên cứu Đề án quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; lập dự án di dời các hộ dân đang sinh sống dọc tuyến kè bảo vệ bờ sông nói trên.
Khu đường sông cho biết, trong năm 2013, TP sẽ phấn đấu xóa 13 điểm sạt lở trong tổng số 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa – đoạn 1.2 và đoạn 1.4 được khởi công từ tháng 7-2012, đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Ngoài ra, 6 công trình, dự án khác sẽ hoàn tất thi công từ tháng 3 đến tháng 12-2013.
Cụ thể, công trình xây dựng kè bảo vệ, chống sạt lở bờ rạch Tôm, khu vực trường Lê Văn Lương cơ sở 2 (huyện Nhà Bè) dài 245m, sẽ hoàn thành vào tháng 3; bờ kè ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Thủ Đức sẽ hoàn thành vào tháng 5; 400m kè chống xói lở bờ sông khu vực xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và dự án xử lý chống sạt lở bờ kè, đảm bảo an toàn giao thông đoạn đường Bến Bình Đông (quận 8) hoàn thành trong tháng 6; dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông rạch Tôm tại khu đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ của Tổng Cục V – Bộ Công An (huyện Nhà Bè) sẽ hoàn thành trong quý III/2013; công trình kè chống sạt lở bờ sông rạch Tôm khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu (huyện Nhà Bè) hoàn thành trong năm nay.
Được biết, hiện TP.HCM có 62 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, có 29 vị trí sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Nhiều điểm sạt lở nguy hiểm nhất tập trung tại các huyện Nhà Bè (12 vị trí), quận Bình Thạnh (7 vị trí), huyện Bình Chánh (4 vị trí)…
Theo Sài gòn Giải phòng Online