Theo Quyết định trên, giá đất được điều chỉnh tăng ở nhiều vị trí trên cơ sở cân đối tương quan mặt bằng, phù hợp giá thị trường trong điều kiện bình thường; đồng thời đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, nhưng về cơ bản không có biến động lớn so với năm 2010.
Tại các quận, giá tối thiểu là hơn 2,34 triệu đồng/m2 (áp dụng cho đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông); tối đa vẫn giữ nguyên 81 triệu đồng/m2 (mức giá cao nhất như năm 2010 tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ thuộc quận Hoàn Kiếm).
Các vị trí giáp ranh với quận, có giá chuyển nhượng thực tế tăng như Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm... được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tương ứng với các quận giáp ranh. Giá đất ở các khu vực này sẽ dao động trong khoảng 2,035-31,2 triệu đồng/m2.
Tương tự, các thị trấn tại các huyện này cũng được điều chỉnh tăng, với mức giá tối thiểu là gần 1,67 triệu đồng/m2, tối đa là 26,4 triệu đồng/m2. Tại khu vực thị trấn của các huyện còn lại, dự kiến giá tối thiểu là 750.000 đồng/m2 và giá tối đa là 8,04 triệu đồng/m2.
Tại các đầu mối giao thông thuộc các huyện Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng... thành phố cũng điều chỉnh giá theo hướng tiệm cận với giá vượt khung tối đa của Chính phủ cho phép (gấp 5 lần đất ở nông thôn), tương đương giá tối đa 11,25 triệu đồng/m2.
Đối với các phường của thị xã Sơn Tây là đất đô thị, nhưng do nằm cách xa trung tâm Thành phố nên có điều chỉnh từng vị trí cho phù hợp với thực tế và giá tối thiểu chỉ hơn 1,5 triệu đồng/m2, tối đa là 15,6 triệu đồng/m2.
Về giá đất kinh doanh tại Hà Nội, để đảm bảo khách quan phù hợp với việc tăng giá đất ở, tiếp cận dần với giá đất chuyển nhượng, thành phố sẽ điều chỉnh giá tối đa là hơn 40,5 triệu đồng/m2, giá tối thiểu là 525.000 đồng/m2.
Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại các quận, thị trấn của huyện Từ Liêm điều chỉnh tối đa bằng 50% giá đất ở cùng vị trí, đường phố. Còn tại các thị trấn của các huyện còn lại sẽ được điều chỉnh tối đa bằng 60-75% giá đất ở cùng vị trí, đường phố.
Ở những vùng giáp ranh như Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cũng dự kiến điều chỉnh tối đa bằng 50-60% ở cùng vị trí đường phố. Do vậy, ở các khu vực này giá đất tối đa là 15,6 triệu đồng/m2, giá tối thiểu hơn 1,221 triệu đồng/m2.
Cũng theo phương án Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố, giá đất nông nghiệp năm 2011 vẫn được giữ nguyên theo giá ban hành năm 2010.
Trước một số ý kiến cho rằng giá đất năm 2011 chưa phản ánh đúng mức tăng giá đất trong năm 2010, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết tại một số vị trí, giá đất do thành phố ban hành còn thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường do phải đảm bảo nằm trong khung giá của Chính phủ quy định.
Đối với những khu vực chưa được xác định trong bảng giá mới này hoặc các trường hợp mới phát sinh do xây dựng đường, phố, khu đô thị , thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành lập phương án giá, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định.
Trường hợp áp dụng giá đất cho các đối tượng và mục đích sử dụng đất cụ thể theo các quy định của pháp luật phải thực hiện sát giá thị trường trong điều kiện bình thường mà giá đất quy định tại quyết định này chưa phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường thì Sở Tài chính chủ trì cùng các Sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có liên quan lập phương án giá trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định hoặc báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố cho ý kiến trước khi quyết định.
Theo điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2010, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại các quận, huyện, thị xã và trục đầu mối giao thông trên địa bàn thành phố đều tăng cao hơn giá đất do thành phố quy định, nhất là các khu vực huyện giáp ranh với quận như Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức....
Đặc biệt, tại các khu vực ven trục đầu mối giao thông ở một số huyện ngoại thành, giá đất tăng bình quân từ 30-50% so với bảng giá đất của thành phố.
Tuy nhiên, ở những huyện xa hơn như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ... vẫn cơ bản ổn định. Thậm chí tại một số khu dân cư nông thôn xa trung tâm, giá chuyển nhượng thực tế còn thấp hơn giá do Ủy ban Nhân dân thành phố quy định./.