Góp phần nâng cao sức khỏe người dân từ nguồn nước sạch

Thứ ba, 23/10/2018 13:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nguồn nước sạch ổn định và lâu dài sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, giúp giảm thiểu bệnh tật nhất là đối với trẻ em, phụ nữ và người già.

Toàn cảnh nhà máy và hồ sơ lắng. Ảnh: Diệu Anh

Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Theo đó, nhà máy sẽ cung cấp 150.000 m3 nước/ngày đêm và đang triển khai giai đoạn 2 với dự kiến 300.000 m3 nước/ngày đêm.
 
Trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020, Thành phố đã xác định công tác phát triển hệ thống nước sạch là một khâu ưu tiên, đột phá nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tại Quyết định số 2055 ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị và nông thôn Thành phố được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận; góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ, giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước và tình trạng ô nhiễm môi trường sống do nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.

Có thể nói, đây là dự án được TP. Hà Nội đặt rất nhiều kỳ vọng bởi đây là dự án nước sạch đầu tiên triển khai tại Hà Nội áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến hàng đầu thế giới cho ra nước sạch uống được ngay tại vòi – điều mà các nước châu Âu đã làm được từ vài chục năm trước.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống bày tỏ: “Chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 trong vòng 18 tháng, dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019. Chúng tôi đưa những dòng nước sạch đến với bà con Thủ đô và chúng tôi muốn tất cả bà con Thủ đô chứ không phải chỉ một số quận, huyện”.
 

Phóng tuyến ống qua sông Hồng phục vụ cho giai đoạn 2. Ảnh: Diệu Anh

Gần chục năm nay, khoảng 2.000 nhân khẩu ở thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, Gia Lâm phải sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm để sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, dự án cung cấp nước sạch cho người dân Linh Quy đã có từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xong nên người dân ở đây vẫn chưa có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Chính vì vậy việc nhà máy nước mặt sông Đuống vừa khánh thành xong giai đoạn 1 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 là tín hiệu đáng mừng cho hàng triệu người dân Thủ đô trong bối cảnh nước sinh hoạt đang ngày một khan hiếm, thường xuyên đe dọa mất nước vào mùa hè, thậm chí một số khu dân cư còn rơi vào cảnh nước ô nhiễm.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, thôn Thượng, xã Dương Hà, Gia Lâm mong muốn, dự án sớm cấp nước sạch đến người dân trong khu vực để người dân có nước sạch, yên tâm sử dụng. “Gia đình tôi có cháu nhỏ, rất không yên tâm khi sử dụng nước giếng khoan nhưng cũng không còn cách nào khác. Sử dụng nước giếng khoan tắm cho con mà tôi chỉ lo ngại con bị bệnh ngoài da. Nay có nhà máy nước sạch ngay trong vùng rồi thì người dân sẽ yên tâm hơn”, chị Hoa chia sẻ.

Anh Chử Văn Tùng, Đội 14, Thôn Chử Xá, xã Văn Đức, Gia Lâm bày tỏ: “Kể từ khi khởi công dự án, người dân ở khu vực lân cận đã rất hưởng ứng. Bởi trước nay, người dân ở đây vẫn phải dùng nước giếng khoan, các gia đình đều phải có bể tự lọc nhưng cũng không bảo đảm. Do đó, rất mong chờ dự án hoàn thành, cấp nước đến các hộ dân”.
 

Cụm xử lý chính tại Nhà máy. Ảnh: Diệu Anh

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, việc hoàn thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt Sông Đuống 150.000 m3/ngày đêm, đã có thể cấp nước cho gần như toàn bộ 5 huyện ở phía Bắc cũng như chúng ta hiện nay đã thành công trong việc đánh chìm 2 đường ống phi 1.500m qua Sông Đuống và Sông Hồng để dẫn nước theo đường vành đai 3 về cấp nước cho khu vực Thanh Trì, Thường Tín ở phía Nam.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu mở rộng thêm một số huyện ở phía Nam. Như vậy, chúng ta đã bổ sung cấp nước đô thị và đặc biệt mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, nơi mà người dân hiện nay vẫn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Điều này rất quan trọng”, ông Dục nhấn mạnh.

Ông Dục cũng cho biết, căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt đồng thời hiệu chỉnh cục bộ hiện nay, giai đoạn 2 của Nhà máy nước măth Sông Đuống được xem là một trong những dự án ưu tiên và cấp thiết hàng đầu. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cao năng suất.

Với tiến độ của giai đoạn 1 cộng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, đặc biệt thường trực Thành ủy của UBND Thành phố, của nhân dân, Chính quyền địa phương và các sở ngành, chúng tôi tin tưởng rằng đến năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành Giai đoạn 2 với 300.000m3 /ngày đêm và xa hơn nữa chúng ta sẽ bảo đảm được quyền cấp nước từ 600.000 đến 900.000 m3 - công suất cuối cùng của Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Trước đó, chiều ngày 16/10, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã tiến hành thành công  đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân phía Nam TP. Hà Nội.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)