Nhu cầu đầu tư hệ thống WHR và nâng cấp vận hành nhà máy xi măng ở Việt Nam

Thứ năm, 15/09/2016 13:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC thuộc World Bank Group thì các dự án sử dụng nhiệt thừa xi măng phát điện có thể tạo ra một lượng điện bằng 30% lượng điện tiêu thụ của 1 nhà máy, với giá thành sản xuất điện thấp và sử dụng nhiệt thừa phát điện có thể làm tăng 10 - 15% lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp (EBITDA).

Dự tính đến cuối năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng ở Việt Nam là 88 triệu tấn, trong đó, 80 dây chuyền sản xuất bằng lò quay phương pháp khô, 21 dây chuyền có xuất xứ từ các nhà cung cấp thiết bị như Kawasaki (Nhật Bản), F.L.Smith (Đan Mạch), Polisiuss (CHLB Đức), FCB (CH Pháp), Technik (CH Pháp), còn lại là các dây chuyền được cung cấp từ các Tập đoàn, Công ty của Trung Quốc như Viện Thiết kế xi măng Thiên Tân Trung Quốc, Viện Thiết kế xi măng Nam Kinh, Hợp Phì, Khải Thịnh...

Sản lượng xi măng, clinker trong nước đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng nội địa và một phần xuất khẩu. Tiêu thụ nội địa hiện nay đang có bước tăng trưởng, năm 2014 khoảng 50 triệu tấn xi măng, năm 2015 đạt 55 triệu tấn và dự báo năm 2016 tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, xi măng và clinker đang giảm về cả lượng và giá bán, năm 2014 xuất khẩu đạt 20 triệu tấn, năm 2015 xuất khẩu khoảng 16 triệu tấn và năm 2016 dự kiến sẽ tương đương với năm 2015. Giá xuất khẩu xi măng, clinker giảm từ năm 2014, sang năm 2015 và tiếp tục giảm trong năm 2016.

Trong những năm gần đây, việc đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải của lò quay xi măng để phát điện (WHR) là một trong các vấn đề mà ngành xi măng Việt Nam quan tâm. Đây là giải pháp khoa học công nghệ thiết thực vừa giải quyết các vấn đề về môi trường, thu hồi nhiệt thừa, giảm nhiệt độ phát thải ra môi trường, thu hồi bụi để sử dụng lại làm nguyên vật liệu sản xuất xi măng.

Đây là loại hình đầu tư mà lợi ích của dự án trọn vẹn, không có phát sinh thứ cấp về môi trường. Chính vì sự hiệu quả của việc đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, Thế giới hiện nay đã có hơn 850 dây chuyền sản xuất xi măng đầu tư hệ thống WHR. Ở Việt Nam cũng đã có 4 nhà máy đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện là Xi măng Hà Tiên - Kiên Lương, dây chuyền 1 nhà máy Xi măng Công Thanh, Xi măng Holcim và Xi măng Chinfon.

Hiệu quả kỹ thuật, kinh tế môi trường của mỗi nhà máy tuy có khác nhau nhưng tất cả đều cho kết quả tốt. Ví dụ kết quả đánh giá tại nhà máy Xi măng Hà Tiên - Kiên Lương, sau hơn 10 năm hoạt động của hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện lũy kế lợi nhuận là 7,721 tỷ đồng, hiệu quả kỹ thuật môi trường: giảm nhiệt độ đầu vào của các thiết bị thuộc công đoạn phía sau nồi hơi hoạt động ổn định hơn, tăng tuổi thọ máy nghiền liệu, quạt gió KK15-KM20; do nhiệt hạ xuống thấp nên hiệu suất lọc bụi diện tăng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường; lượng bụi thu hồi được tại nồi hơi khoảng 10 - 15 T/h đưa trực tiếp vào silo tồn trữ, góp phần giảm nguyên liệu đầu vào và tăng năng suất máy nghiền, nguồn điện tiếp nhận tại thanh cái điện áp 6,6kV có chất lượng cao vì máy phát được điều chỉnh với hệ số công suất xấp xỉ 0,95.

Mặt khác, việc đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, các dự án xi măng đầu tư mới, có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ ngày trở lên phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Đối với các nhà máy xi măng đang hoạt động, các dự án xi măng đang triển khai đầu tư nhưng đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện phải hoàn thành đầu tư hạng mục này trước năm 2015. Đối với các nhà máy xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ ngày, khuyến khích đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Cũng tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình Chính phủ cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại dự án nêu trên. Có thể thấy, việc đầu tư các dự án sử dụng nhiệt khí thải để phát điện trong các nhà máy xi măng vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội, môi trường, vừa là trách nhiệm được Chính phủ giao và khuyến khích. Tuy nhiên trong nhiều năm qua việc triển khai dự án này gặp không ít khó khăn.

Một vấn đề nữa mà ngành xi măng Việt Nam cũng rất quan tâm thường xuyên đó là ứng các thành tựu khoa học công nghệ về quản lý và vận hành thiết bị nhà máy xi măng đã đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh, hạ giá thành sản xuất.

Thực tế, trong hơn 10 năm qua, ngành xi măng Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về quy mô công suất lẫn trình độ công nghệ. Ngành xi măng Việt Nam cơ bản đã xóa bỏ công nghệ sản xuất xi măng bằng lò đứng và lò quay phương pháp ướt. Đa số các dây chuyền sản xuất được đầu tư trong vòng 10 năm trở lại đây với công nghệ lò quay phương pháp khô có tháp trao đổi nhiệt nhiều tầng, hệ thống tiền nung, làm nguội clinker bằng ghi quay. Hệ thống máy nghiền liệu, nghiền than chủ yếu là nghiền đứng. Dây chuyền thiết bị được nhập khẩu theo nhiều hãng khác nhau nhưng đều là các hãng có tên tuổi, chất lượng cao.

Xi măng có chất lượng cao, ổn định đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng năm trên 15 triệu tấn. Tình hình chung ngành xi măng đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao năng lực quản lý sản xuất, năng lực thị trường tuy nhiên so với tiềm năng công nghệ mà các dây chuyền đã được đầu tư, chuyển giao công nghệ và so với trình độ của ngành ở các nước trong khu vực như Thái Lan, hay các nước tiên tiến trên Thế giới thì tất cả các nhà máy xi măng trong nước vẫn phải tiếp tục và thường xuyên cập nhật, cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ vận hành sản xuất, thực hiện bảo trì định kỳ, vận hành có hiệu quả.

Hiện nay, ngành xi măng Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề như năng suất lao động thấp, số lượng lao động tính theo công suất sản xuất nhà máy quá cao, dao động trên dưới 500 tấn xi măng/ người/ năm, tiêu hao nhiệt lượng cho 1kg clinker vẫn ở mức cao, dao độngt rong khoảng từ 750 - 800 kcal/ kg clinker, tiêu hao điện năng cũng ở mức cao, trên dưới 100 kWh/ tấn xi măng, các vấn đề hạn chế bụi, tiếng ồn bảo vệ môi trường cũng cần được cải thiện hơn. Các chỉ tiêu này nếu đem so với các chỉ tiêu được phê duyệt tại Quy hoạch xi măng số 1488 thì vẫn còn ở mức cao. Theo Quy hoạch thì:

- Tiêu hao nhiệt năng ≤ 730 kcal/ kg clinker;

- Tiêu hao điện năng ≤ 90 kWh/ tấn xi măng;

- Nồng độ bụi phát thải ≤ 30 mg/ Nm2.

Cũng chính vì chi phí cao nên giá thành sản xuất clinker và xi măng trong nước của Việt Nam cũng không được cải thiện nhiều. Như vậy, xét cả phương diện đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và nâng cao năng lực vận hành các dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư thì ngành xi măng Việt Nam vẫn vần nhiều nỗ lực hơn nữa phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế.

TS. Nguyễn Quang Cung (Chủ tịch HĐHH Xi măng Việt Nam)


Theo ximang.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)