Xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn thành đô thị loại III, hướng tới đô thị đặc biệt theo tiêu chí xanh, bền vững, thông minh

Thứ tư, 14/09/2016 14:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 13-9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn (KTNS). Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Khu KTNS được lựa chọn là 1 trong 8 Khu kinh tế (KKT) ven biển trọng điểm ưu tiên đầu tư của quốc gia, đã được phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2007. Đến nay, sau 10 năm thành lập, Khu KTNS đã thu hút được 134 dự án đầu tư, bao gồn 126 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 96.024 tỷ đồng và 8 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.000 triệu USD… Tuy nhiên, với sự phát triển của các KKT trong những năm qua, các dự án trọng điểm như: Liên hợp Lọc- hóa dầu, nhiệt điện Nghi Sơn, Liên hợp Gang thép, cảng biển… đều đã vượt công suất do với dự kiến ban đầu. Ngày 12-6-2015, thủ Tướng Chính phủ có quyết định số 18/2015/QĐ-Ttg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Khu KTNS. Theo đó, Khu KTNS được điều chỉnh, mở rộng diện tích từ 18.611,8 ha lên 106.000 ha.

Do vậy, việc lập Đề án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu KTNS- tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và cấp bách. Việc lập đề án nhằm đáp ứng nhu cầu tạo ra một động lực mới cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực. Khai thác tối đa lợi thế về tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế, xây dựng Khu KTNS thành một khu vực phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; điều chỉnh, bổ sung một số khu chức năng và hạ tầng trong KKT… Qua đó, xây dựng và phát triển Khu KTNS thành thành phố công nghiệp đồng bộ hiện đại theo hướng sinh thái bền vững; kết hợp phát triển kinh tế- xã hội có tầm nhìn- bản sắc- cạnh tranh trong khu vực, sớm trở thành khu vực trọng điểm kinh tế ven biển năng động với chức năng đô thị- công nghiệp- dịch vụ và du lịch.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh việc xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKTNS – tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 là một việc làm cấp thiết, đánh dấu bước phát triển mới, thời cơ mới, nhưng cũng đặt ra cho các cấp, ngành những nhiệm vụ và thách thức lớn. Chính vì thế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xây dựng Đề án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu KTNS- tỉnh Thanh đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 phải trở thành đô thị loại III, trong đó một số tiêu chí phải đạt theo đô thị loại I, hướng tới đô thị đặc biệt theo tiêu chí xanh, bền vững, thông minh. Đề án bổ sung quy hoạch chi tiết các khu chức năng cần nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả cả trước mắt và lâu dài. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu KTNS và các khu công nghiệp khác trong tỉnh. Rà soát, bổ sung danh mục một số dự án có quy mô lớn, công nghệ cao để kêu gọi đầu tư. Tập trung huy động nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu trong Khu KTNS như, quảng trường, nguồn nước, nơi xử lý rác thải.. . Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách di dân, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và nâng cao đời sống cho các đối tượng bị thu hồi đất. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản…

Đối với quy hoạch phát triển văn hóa trong khu vực, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu cần xây dựng theo các tiêu chí để vừa phát triển đô thị vừa giữ gìn phát huy các bản sắc văn hóa. Đồng thời, quan tâm đến phát triển kết hợp các loại hình du lịch, nghiên cứu, bổ sung cảng biển du lịch, kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh và cả nước.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị Ban quản lý Khu KTNS và các khu công nghiệp, các cấp, ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, vị trí của Khu KTNS; về lợi ích của việc mở rộng Khu KTNS đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Từng người dân, cấp ủy, chính quyền, và các ngành có liên quan phải đề cao trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp phát triển Khu KTNS.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn là Viện quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa, trên cơ sở đóng góp của các cấp, các ngành, chậm nhất đến ngày 18-9 phải hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.


Theo báo Thanh Hóa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)