Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược ở khu vực Tây Nguyên, đồng thời là một trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó và xuất phát từ thực tiễn địa bàn, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững mạnh và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động theo từng giai đoạn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Kết quả nổi bật là, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được tiến hành thường xuyên, có nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực; tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là các tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực quân sự,… có sự phát triển về chiều sâu; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, hoạt động hiệu quả; phương án, kế hoạch tác chiến các cấp được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của tình hình; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Kết quả đó khẳng định hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trong đó cơ quan quân sự làm nòng cốt, cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân. Kết quả đó chẳng những tăng cường nền quốc phòng toàn dân, mà còn thiết thực góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nên việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn những hạn chế, bất cập, cần được khắc phục trong thời gian tới.
Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, xác định rõ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của bọn phản động ngay từ cơ sở; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới yên tâm làm ăn, sinh sống. Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, cán bộ mới được bổ nhiệm trong hệ thống chính trị; đồng thời, mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung làm rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đối với vùng Tây Nguyên nói riêng; đồng thời, vạch trần âm mưu chống phá của các phần tử phản động lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào để dụ dỗ, lôi kéo; từ đó, có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Hai là, chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trực tiếp đến với người dân. Nhận thức rõ vấn đề đó, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ cơ sở theo quy định. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương, nhất là cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình thực tiễn, nhất là thực trạng các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, thấy rõ khâu yếu, mặt yếu để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp củng cố, xây dựng kịp thời. Trong đó, trọng tâm là củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy cơ sở, tập trung vào các thôn, buôn, làng, xã, nơi hệ thống chính trị hoạt động khó khăn, các thế lực thù địch đã và đang chống phá. Căn cứ vào đặc điểm của từng địa bàn và thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp kết hợp chặt chẽ công tác tuyển quân với quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, ưu tiên tuyển chọn thanh niên là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào quân đội để bồi dưỡng tạo nguồn cho cơ sở sau này. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu “An dân, nắm dân, giành và giữ dân”, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu tái hoạt động của bọn phản động FULRO, tà đạo “Hà Mòn” và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vượt biên trái phép.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Để sớm đưa Gia Lai thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV xác định: tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư,… phấn đấu xây dựng Gia Lai thành một tỉnh phát triển nhanh, bền vững ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Theo đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xuất khẩu trong mối liên kết vùng Tây Nguyên; có chính sách phát triển bền vững đối với các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, mía, chăn nuôi gia súc. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, lưỡng dụng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, y tế, viễn thông, công nghệ thông tin, v.v. Trước mắt, tập trung thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để hỗ trợ cho đô thị Đức Cơ trở thành vùng động lực đối với các huyện biên giới; từng bước hoàn chỉnh nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, các tuyến tỉnh lộ và hệ thống đường giao thông đến các xã, ưu tiên đầu tư hạ tầng ở khu vực trung tâm các đơn vị hành chính địa phương mới chia tách; gắn phát triển thương mại với du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực đến năm 2020, tập trung ở các khu vực: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa, thị trấn Chư Sê,… làm cơ sở thúc đẩy phát triển đồng đều ở tất cả các địa phương trong Tỉnh.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh xác định phải luôn gắn kết chặt chẽ với quốc phòng - an ninh. Khi xây dựng và triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng đều có sự thẩm định kỹ của cơ quan chức năng về quốc phòng - an ninh, bảo đảm gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong xây dựng thế trận phòng thủ khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện kịp thời hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu và tổ chức luyện tập các phương án, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống; đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các sở chỉ huy, căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình phòng thủ, thiết bị chiến trường, hệ thống thông tin liên lạc, kho tàng phù hợp với quyết tâm, phương án tác chiến, tạo thế trận phòng thủ cơ bản, vững chắc, sẵn sàng ứng phó thắng lợi trong mọi tình huống. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh coi trọng việc quy hoạch thế trận quân sự của khu vực phòng thủ, quy hoạch, điều chỉnh dân cư, đưa nhân dân ra sát khu vực biên giới; phối hợp với Binh đoàn 15 và các doanh nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động gắn với xây dựng các khu dân cư mới, tạo lực lượng tại chỗ trong thế trận phòng thủ rộng khắp, vững chắc trên địa bàn.
Bốn là, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh. Trước hết, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đối với lực lượng thường trực, Tỉnh tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ làm then chốt, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện làm trọng tâm. Đối với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện và sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên đạt 99% trở lên, bảo đảm tỷ lệ đúng và gần đúng về chuyên nghiệp quân sự đạt trên 85%, sẵn sàng động viên khi có tình huống. Lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp” theo đúng Luật Dân quân tự vệ; thường xuyên rà soát, bổ sung đủ số lượng, bảo đảm cân đối giữa lực lượng cơ động, thường trực và lực lượng rộng rãi; 100% các xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng - an ninh xây dựng được tiểu đội dân quân thường trực; nâng cao chất lượng tổng hợp, độ tin cậy về chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn, đảm bảo làm nòng cốt giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện có nền nếp Quy chế phối hợp giữa các lực lượng: quân sự, công an, biên phòng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ của Tỉnh trong mọi tình huống.
Theo Tạp chí quốc phòng toàn dân