Tại phiên họp, Bộ Xây dựng - Cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo tóm tắt các nội dung trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, có 2 vấn đề Bộ Xây dựng đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh lại về chính sách nhà ở xã hội và sở hữu chung trong nhà chung cư.
Một số nội dung trong dự thảo được nhiều đại biểu cho ý kiến, đó là quy định về chính sách nhà ở công vụ; thời hạn sử dụng nhà chung cư và sở hữu chung trong nhà chung cư.
Về chính sách nhà ở công vụ, bên cạnh ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác; chế độ nhà ở công vụ nên áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ…
Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu quy định chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
Đối với chính sách về nhà ở công vụ, Bộ Xây dựng cho rằng, việc quy định loại nhà ở công vụ trong dự thảo là cần thiết và trên thực tế đang được triển khai thực hiện.
Quy định loại nhà ở tái định cư trong dự thảo là hết sức cần thiết, bởi vì Nhà nước vẫn phải có các cơ chế, chính sách và có trách nhiệm chủ động trong việc tạo lập chỗ ở cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, nhất là tại khu vực đô thị để tạo điều kiện cho việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phải xây dựng nhà công vụ theo nhu cầu công tác cán bộ, không phải chỉ vùng sâu vùng xa, đô thị lớn, mà các tỉnh cũng có nhu cầu khi có luân chuyển cán bộ từ huyện về tỉnh. Bên cạnh đó, giá nhà công vụ phải phù hợp, có sự bình đẳng, tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi cơ quan quy định một giá khác nhau.
Về thời hạn sử dụng nhà chung cư, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung về nguyên tắc là nhà ở riêng lẻ cũng cần có thời hạn sử dụng nhất định theo cấp công trình xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, nội dung này cũng phù hợp với trách nhiệm thực hiện phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người và tài sản của chủ sở hữu nhà ở nói chung
Về sở hữu chung trong nhà chung cư, có ý kiến đề nghị cần quy định thống nhất về nơi để xe trong nhà chung cư phải thuộc về sở hữu chung. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, là cần kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành và khẳng định rõ là nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung, để thực hiện thống nhất trên toàn bộ các nhà chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự thảo Luật lần này quy định về nội dung nhà ở công vụ phải rõ, phải có quy định để giải quyết vi phạm trong quá trình sử dụng nhà công vụ.
Đối với quy định sở hữu chung trong nhà chung cư, Luật cần quy định và làm rõ vấn đề sở hữu chung – riêng, như cần phải có nơi vui chơi cho trẻ em, người già, tổ dân phố sinh hoạt…
Theo : Báo Xây dựng điện tử