Hiện nay, chất thải rắn từ đô thị, nông thôn nói chung và chất thải rắn nguy hại nói riêng đang là vấn đề bức xúc cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.
Theo điều tra đến tháng 6/2011, tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc khoảng 24.342 tấn/ngày, riêng Hà Nội, TP.HCM khoảng 6.000-7.200 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom và xử lý trung bình đạt khoảng 83%, tỷ lệ thu hồi các thành phần có khả năng tái chế và tái sử dụng khoảng 20-25%. Trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn khoảng 27.120 tấn/ngày và chỉ có khoảng 20-30% được thu gom.
Công nghệ xử lý rác hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Cả nước mới có khoảng 20 cơ sở xử lý rác đang hoạt động với công suất 17.000 tấn/ngày và 15 cơ sở khác đang xây dựng, chủ yếu sử dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh và một số sản phẩm phụ khác như ống nhựa, túi đựng,… chưa chế biến rác thành viên nhiên liệu như nhà máy thí điểm Sông Công.
Để làm cơ sở triển khai các hoạt động quản lý chất thải rắn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Đồng thời, Bộ phải chỉ đạo các Tổng Công ty LILAMA, COMA phối hợp với Công ty cổ phần cơ khí Thủy Lực - Máy tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị và sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, có tính thẩm mỹ; nghiên cứu các quy mô dây chuyền xử lý chất thải rắn phù hợp với mô hình xử lý từ cấp xã, liên xã trở lên và phê duyệt thiết kế chuẩn các thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải tại đô thị đảm bảo mỹ quan, an toàn để ban hành cho các địa phương áp dụng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trên cở sở Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011, Bộ phải chỉ đạo xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn thí điểm áp dụng các công nghệ được nghiên cứu trong nước; đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế tài chính phù hợp theo hướng xã hội hóa. Đối với các khu vực khó khăn thì Nhà nước đầu tư trước và tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào đầu tư và vận hành.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì rà soát, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam để xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.